Bức tranh Ngày Độc lập trên báo chí đương thời
Trưa ngày 2/9/1945, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa một máy phát công suất 300W lên nhà số 4 Đinh Lễ (Hà Nội), sau đó, truyền thử cuộc mít tinh từ Quảng trường Ba Đình về bằng đường dây trần. Lời Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập được phát lên không trung qua ăng ten đặt trên nóc nhà và truyền từ Quảng trường Ba Đình về bằng dây trần nên vùng phủ sóng không rộng và âm thanh bị nhiễu, không được tốt. Sự kiện này đánh dấu sự mở đầu của báo chí cách mạng song hành với dòng chảy lịch sử của nước Việt Nam mới.
Báo Nam bộ viết về ngày 2/9/1945 |
Do đặc thù của bối cảnh lịch sử bấy giờ, báo chí Việt Nam thuộc sở hữu của nhiều thành phần. Bên cạnh những tờ báo cách mạng của Mặt trận Việt Minh như Cờ Giải phóng, Cứu Quốc, còn có những tờ báo do các nhà tư sản, trí thức dân tộc chủ trương và xuất bản. Những trang báo, tạp chí còn lưu lại cho đến 76 năm sau Ngày độc lập 2/9/1945 vẫn là những thông tin đặc biệt quý giá về sự kiện lịch sử này.
Cho đến năm 1945, cả Việt Nam chỉ có một số ít báo có lượng phát hành lớn và do điều kiện lúc bấy giờ, càng ít tờ báo ra đúng ngày chủ nhật 2/9/1945 hay xuất bản vào tháng 9/1945. Nhưng một điểm chung của những tờ báo, trang báo này, dù ấn hành gần hay xa sự kiện cuộc mít tinh ngày 2/9/1945 đều có một điểm chung là, bên cạnh ghi nhận không khí hồ hởi, trọng đại xưa nay chưa từng có của người dân và đất nước, còn truyền đi những thông điệp từ bản Tuyên ngôn độc lập và những hiệu ứng lan tỏa gần như tức thì về tầm quan trọng của sự kiện. Những thông tin trên những trang báo ấy ngày nay sau 76 năm còn giúp chúng ta hình dung ra mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và bình đẳng giữa Chính phủ lâm thời với quốc dân đồng bào ngay từ những ngày đầu của nước Việt Nam mới.
Trang báo chí cách mạng xuất bản gần nhất và cũng phản ánh đậm nét nhất về Ngày độc lập là Báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Việt Minh, số 36, ra ngày 5/9/1945. Chiếm trọn cả trang là "Tuyên ngôn độc lập", tường thuật cuộc mít tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ "Ngày Độc lập", Lời thề của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Lời thề của Quốc dân; Thông cáo của Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ gửi cho các đồng chí Việt Minh... Đáng chú ý, trên trang báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí mừng vui của ngày Lễ độc lập, vẫn không quên nhắc nhở quốc dân đồng bào không quên mối hiểm nguy trước mắt: Quân Pháp kéo vào Việt Nam.
Báo Cờ Giải phóng số 16 ra ngày 12/9/1945 đã trang trọng đăng toàn văn bản "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng việc tường thuật cuộc mít tinh ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Đặc biệt, một kênh xuất bản chính thức khác lúc bấy giờ là tờ Việt Nam dân quốc công báo, số tháng 9/1945, đã đăng Tuyên cáo ngày 28/8/1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và danh sách Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đăng Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam Bảo Đại thoái vị ngày 24/8/1945.
Tầm vóc vĩ đại của Ngày Độc lập 2/9/1945 cũng đã được các tờ báo do thành phần nhân sĩ trí thức lúc bấy giờ sở hữu và chủ trương kịp thời đăng tải trang trọng, chi tiết. Rất may mắn, ngày nay, chúng ta vẫn còn lưu lại được một tờ báo ấn hành đúng ngày 2/9/1945, đó là tờ Đông Phát. Trên trang nhất của tờ báo này ra ngày chủ nhật 2/9/1945, hầu hết thông tin quan trọng và chính yếu nhất về sự kiện lễ Quốc khánh 2/9/1945, ghi rõ: "Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập", trong đó gồm: "Chương trình chính thức cuộc mít tinh và biểu tình tại Hà Nội". Cách tuyên truyền về buổi lễ mít tinh cho đồng bào cũng thật giản dị, dễ hiểu: "Đồng bào nhớ rõ: Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch là Ngày Độc lập, tức là một ngày lễ, một buổi họp lớn của Chính phủ tổ chức khắp Trung, Nam, Bắc để huy động toàn dân kiên quyết cho nền độc lập nước nhà. Vậy thì, không vì một lẽ gì, người công dân Việt Nam không biết nghĩ đến sự sống còn của đất nước, không vì một lẽ gì không tới dự Ngày độc lập để đấu tranh lấy sự sống còn ấy - dù mới chỉ là một cuộc đấu quyết liệt bằng tinh thần".
Một ấn phẩm khác đáng chú ý về Ngày Độc lập 2/9/1945 là báo Nước Nam, số 282, ra ngày 8/9/1945 có bài "Ngày Độc lập ở Hà Nội". Cùng với Đông Phát, Nước Nam là tờ báo có lượng xuất bản lớn. Tờ báo này ghi lại, đúng 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bộ trưởng tới vườn hoa Ba Đình. Sau khi tường trình chi tiết về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ báo này sau đó đã ghi lại việc Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp lên nói về tình hình trong nước và ngoại giao. Rồi đến lượt Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu "kể lại cuộc hành trình vào Huế và lễ thoái vị của vua Bảo Đại".
Không thể không kể tới ấn phẩm ngày 9/9/1945 của tờ Trung Bắc tân văn. Tờ báo này đã dành bìa một in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành nhiều trong số 28 trang viết về Ngày Độc lập 2/9/1945. Đặc biệt, bút ký "Hôm nay là Ngày Độc lập! Muôn năm độc lập! Độc lập muôn năm!" của tác giả Tùng Hiệp - một nhà báo được xem là rất thạo tin trong giới báo chí truyền thông lúc bấy giờ, tiếc rằng đã tử nạn vào năm 1949. Bút ký này bằng điệp khúc "Hôm nay là Ngày Độc lập" xuyên suốt cả bài báo và được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ rất khác lạ so với báo chí đương thời. Tác giả viết: "Độc lập! Độc lập! Tiếng điện này hôm nay (2/9/45) vang lên trong không khí như một tiếng nổ. Vang từ Bạch Mai qua phố Huế đi thẳng đến Quan Thánh, chợ Bưởi, vang từ làng Trèm Vẽ lướt qua Nghi Tàm mà về tận làng Thanh Trì. Độc lập! Độc lập! Vang lên từ Hà Nội tới Sài Gòn! Sau bao nhiêu năm trời - ba phần tư của một thế kỷ - tiếng Độc lập này đã biến mất trong cuốn tự vị dân sinh của dân Việt Nam, ngày nay mới lại nổ bùng từ chợ chí quê của đất "Việt Nam yêu dấu ngàn năm"!
Sau khi tường thuật chi tiết cuộc mít tinh lịch sử tại Quảng trường Ba Đình trong vai trò nhân chứng trực tiếp, tác giả kết luận: "Mai đây, giời sẽ sáng sủa tưng bừng. Nước Việt Nam độc lập sẽ thành một cường quốc trước mãnh lực đoàn kết của 25 triệu dân Việt Nam thề sống chết có nhau. Kìa, nghe đoàn thanh niên rước rồng ở đầu phố đằng kia thề uống máu kẻ xâm lăng và hô to trong ánh đuốc: Hôm nay là Ngày Độc lập!".
Bức tranh toàn cảnh về Ngày Độc lập 2/9/1945 từ báo chí đương thời, đến nay, sau 76 năm nhìn lại, không khó để nhận ra, nếu như "luồng điện" của những ngày Cách mạng tháng Tám đã kích hoạt giá trị sâu thẳm nhất, thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu trên dải đất chữ S này về quyền độc lập tự do của mình, những giá trị, âm hưởng của Ngày Độc lập 2/9/1945 ngay từ ấy cũng đã kịp lan tỏa, thấm sâu vào từng con tim, khối óc mọi công dân của nước Việt để đứng lên làm chủ và tự quyết định vận mệnh, con đường đi tới của dân tộc mình, đất nước mình.