BOT Hà Nội - Bắc Giang: Thúc đẩy kinh tế các tỉnh phía Bắc Thủ đô
Kết quả của một chủ trương đúng
BOT Hà Nội - Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức BOT tại Văn bản số 2238/TTg-KTN ngày 18/12/2013. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 113/QĐ-BGTVT ngày 10/1/2014 với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 45,8 km từ Thành phố Hà Nội - Nút giao quốc lộ 31 (thành phố Bắc Giang) và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Với chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa dự án được Bộ GTVT và Liên danh các nhà đầu tư chính thức khởi động ngày 20/2/2014 và thông xe vào ngày 3/1/2016.
Dự án Hà Nội - Bắc Giang là một trong những dự án đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí từ ngày 25/5/2016 với thời hạn dự kiến theo Quyết định phê duyệt dự án là 18 năm 7 tháng kể từ ngày bắt đầu thu phí. Sau thời hạn này nhà đầu tư sẽ chuyển giao không bồi hoàn công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dự án được triển khai bởi liên danh nhà đầu tư: Công ty CP đầu tư Văn Phú – Invest - Công ty CP đầu tư và thương mại 319 - Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Tập đoàn Đại Dương. Dự án được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang, đồng thời phù hợp chiến lược phát triển kinh tế, kết nối giao thông các tỉnh phía Bắc.
Dự án được triển khai và đưa vào khai thác cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Nhất là đoạn Hà Nội- Bắc Giang trong những năm qua luôn được coi là điểm “đen” về tai nạn và ùn tắc giao thông với lưu lượng khoảng 25.000 xe/ngày đêm. Thêm vào đó, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là đoạn từ Bắc Ninh - Bắc Giang, hiện chỉ đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, gồm 2 làn xe cơ giới – như một nút thắt cổ chai đột ngột khiến cho các phương tiện giao thông qua đây luôn gặp khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn.
Hiệu quả bước đầu
Là một trong những phân đoạn quan trọng của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được tách thành dự án độc lập, BOT Hà Nội - Bắc Giang được xem là động lực kinh tế quan trọng cho Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang nói riêng và kinh tế khu vực phía Bắc nói chung, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo động lực phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Trạm Thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang |
Theo hợp đồng ký kết giữa công ty BOT và Bộ GTVT thì dự án sẽ hoàn thành vào ngày 1/6/2016. Nhưng để bảo đảm sớm đưa công trình vào hoạt động, các nhà đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ và thông xe kỹ thuật vào những ngày đầu tiên của năm 2016, vận hành thử 4 tháng, trước khi đưa vào khai thác chính thức từ tháng 4/2016. Việc đầu tư dự án theo hình thức BOT không chỉ giảm được gánh nặng đầu tư công cho ngân sách nhà nước, tiến độ dự án được đẩy nhanh 6 tháng so với kế hoạch, đã giúp tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ GTVT, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là 1 trong 3 dự án sẽ có nguồn thu và khả năng thu hồi vốn tốt nhất trong số các dự án BOT bởi lưu lượng xe sẽ ổn định.
Theo Công ty CP BOT Hà Nội – Bắc Giang, trong thời gian thu phí thử (từ ngày 26/5-1/7/2016) để giải quyết các tình huống phát sinh, rút kinh nghiệm, phía công ty đã tìm và đưa ra các giải pháp để hạn chế tối đa khả năng ùn tắc giao thông tại trạm như: Phân làn giao thông từ xa, lắp đặt bổ sung thiết bị đảo làn, bố trí các lực lượng cứu thương, cứu hộ… đồng thời tiếp thu phản ánh của các phương tiện truyền thông về một số vấn đề như: Tình trạng mất các bu lông trên hộ lan tôn sóng hay nỗi lo bị phạt trên cao tốc Hà Nội- Bắc Giang… Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu khắc phục ngay các sự cố, đồng thời có văn bản đề nghị lực lượng công an địa phương hỗ trợ công tác phòng ngừa và xử lý các vi phạm, cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác điều chỉnh thiết kế biển báo cho phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến đường.
Phần lớn các dự án BOT đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển giao thông, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và chất lượng dịch vụ xã hội. Cùng với các tuyến đường cao tốc khác như Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ… tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang góp phần từng bước phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia và kết nối mạng lưới giao thông khu vực Đông Bắc. |