CôngThương - Nhiều giải pháp giải phóng hàng tồn kho
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu vấn đề hàng tồn kho hiện đang mở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: “Đây là một trong những công việc cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm và giải quyết”.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau)
"Kể từ Kỳ họp thứ 3 đến nay, với những cố gắng của cộng đồng DN và việc thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương, tình hình hàng tồn kho và ứ đọng trong DN đã có chuyển biến tích cực”- Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng đưa ra số liệu minh chứng: “Thời điểm 1/6/2012, tồn kho của các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo là 26% thì đến 1/10/2012 đã giảm 20%. Và nếu so với năm 2010 và 2011 thì chỉ số này thấp hơn nhiều”. Tồn kho lớn tập trung chủ yếu vào một số loại vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón, và than đá. Với 5 nhóm hàng hóa này, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã có hướng giải quyết. Cụ thể, đối với than đá hiện tồn kho đến 1/10 khoảng 6,5 triệu tấn than quy chuẩn, tương đương 19%. Ngành than đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong đó có điều chỉnh giảm giá bán theo cơ chế thị trường. Đặc biệt quyết định giảm thuế xuất khẩu của Chính phủ từ 20% xuống 10% nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, ngành than dự kiến đến cuối năm sẽ đưa tồn kho xuống mức bình thường, tức là khoảng 15%.
Hiện ngành thép tồn kho 190.000 tấn. Tồn kho thép cao có một phần nguyên nhân từ việc kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ trong quy hoạch khiến công suất dư thừa, thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp như duy trì cấp giấy phép nhập khẩu tự động để điều hành linh hoạt và khống chế được thép nhập khẩu, đang xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thép. Bên cạnh đó, cùng với Bộ Giao thông & Vận tải đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Về tồn kho phân bón, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, do tính chất thời vụ dẫn tới có lượng tồn kho lớn. Tuy nhiên, bước vào vụ sản xuất Đông - Xuân sẽ giúp lượng tiêu thụ tốt hơn cho nên hoàn toàn không đáng lo ngại.
Riêng mặt hàng vật liệu xây dựng, vì phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông & Vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn từng bước trong lĩnh vực bất động sản. Với các biện pháp trên, Bộ trưởng tin tưởng rằng những vấn đề về tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản sẽ được tháo gỡ từng bước.
Cần sự vào cuộc của Nhà nước và người dân
Trong phiên chất vấn người đứng đầu Bộ Công Thương, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Sau khi nêu hiện trạng, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết các giải pháp đã và sẽ áp dụng để ngăn chặn tình trạng này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại trong thời gian dài và chúng ta cũng đã có nhiều giải pháp phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Phần lớn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có nguồn gốc từ nhập lậu hoặc nhập khẩu tiểu ngạch qua đường mòn, lối mở biên giới nên việc kiểm tra, kiểm soát khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)
“Tại thị trường trong nước, công tác kiểm tra, kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của duy nhất cơ quan quản lý thị trường mà còn có trách nhiệm của các cơ quan liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế, công an, nông nghiệp. Nhưng hiệu quả công tác này thời gian qua còn nhiều hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, trong thời gian tới cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan như: Quy phạm chất lượng sản phẩm; quy định về xử phạt hành vi vi phạm; nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức của cán bộ quản lý thì Bộ Công Thương cần tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 127 TW và địa phương, đặc biệt là trong công tác phối hợp. “Tổng kết hoạt động của Ban 127 TW hàng năm vẫn thừa nhận sự phối hợp các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; xử lý hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe nên tái phạm còn nhiều”- Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, để góp phần giải quyết có hiệu quả tình trạng này, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng thì thái độ của người tiêu dùng cũng hết sức quan trọng: “Với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ngoài công tác tuyên truyền của các bộ, ngành thì sự tham gia của người dân là hết sức quan trọng. Dư luận có tiếng nói mạnh và cương quyết hơn thì mới ngăn chặn được tình trạng này”.
Đời sống người dân khu vực triển khai dự án thủy điện còn nhiều khó khăn
Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng nay, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là tình hình đời sống người dân khu vực triển khai dự án thủy điện còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này còn cao… Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đối với người dân phải di dời nhường đất cho các dự án thủy điện thì cần có cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, tái định cư.
“Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này bằng việc ban hành chính sách trong đó có quy định xây dựng hợp phần riêng về tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng và giao cho chính quyền địa phương, nơi thực hiện dự án tổ chức thực hiện. Chỉ có chính quyền cơ sở mới nắm vững tình hình và phân bổ đất tái định cư phù hợp”. Ngoài cơ chế đặc thù nói trên, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên hơn: với hộ dân có 30% đất bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện cũng có thể xem xét đưa vào đối tượng được di dân vào khu vực mới, cơ chế đã được áp dụng tại một số dự án như: Thủy điện Thái Nguyên, Bản Vẽ…
Về vấn đề giải quyết việc làm cho người thuộc diện di dân, tái định cư khu vực xây dựng thủy điện, Bộ trưởng cho biết đã thực hiện linh hoạt nhiều chính sách, đảm bảo người dân có việc làm phù hợp với trình độ dân trí, khả năng tiếp cận công việc. Riêng với các dự án có quy mô lớn, từ nguồn vốn của Đề án khuyến công, khuyến nông quốc đã giúp hình thành cụm công nghiệp để tạo việc làm cho người dân, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, dù đã có nhiều cơ chế chính sách cũng như nỗ lực của các cấp, ngành, song người dân thuộc diện di dời phục vụ các dự án xây dựng thủy điện vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các chương trình tái định cư để phát hiện sai sót, chấn chính, uốn nắn, đảm bảo giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.