Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị Bộ trưởng IPEF tại Singapore
Từ ngày 5-7/6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn công tác của Việt Nam có chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) và Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF.
Trong khuôn khổ Hội nghị IPEF, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong Đoàn công tác sẽ liên tiếp có các hoạt động bên lề như: Họp song phương cấp trưởng đoàn với Hoa Kỳ, Australia...; họp Trưởng đoàn đàm phán IPEF; tiếp kiến Tổng thống Singapore và Bộ trưởng các nước IPEF...
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị IPEF 2023 |
Năm 2023, Hội nghị IPEF đã diễn ra tại thành phố Detroit, bang Michigan, Hoa Kỳ. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của 14 nước thành viên gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei, Fiji và Việt Nam. Tại IPEF năm 2023, các Bộ trưởng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy việc đàm phán tại tất cả các lĩnh vực, song song với đó sẽ xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực để mang lại lợi ích cụ thể và thiết thực cho các nước thành viên ngay cả trong giai đoạn đàm phán.
Tại IPEF 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả mà các nước đã đạt được cho đến nay; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng trao đổi với các nước thành viên IPEF để góp phần xây dựng các nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của từng thành viên.
Hợp tác Việt Nam - Singapore ngày càng được mở rộng
Sau hơn 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2024), nhất là hơn 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore (2013 - 2024), quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực chất và hiệu quả. Điều này góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược đã được xác định và là cơ sở định hướng hợp tác trên các lĩnh vực.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Singapore, kim ngạch thương mại hai chiều luôn tăng trưởng tích cực qua các năm. Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), giai đoạn 2018-2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore tăng trưởng ổn định. Năm 2018, thương mại hai chiều đạt mức 7,7 tỷ USD đến năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 9,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong 4 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 3,5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 4,4 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Singapore nằm trong nhóm chế biến, chế tạo, cụ thể: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 322,3 triệu USD, tăng 30,2%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 279,3 triệu USD, tăng 4,1%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 197,1 triệu USD, tăng 35,2%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (đạt 146,8 triệu USD, tăng 4,4%)...
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore các nhóm hàng như: Xăng dầu các loại (đạt 832,5 triệu USD, tăng 17,9%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 134,9 triệu USD, giảm 1,6%); Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh (đạt 127,1 triệu USD, giảm 1,2%); Sản phẩm khác từ dầu mỏ (đạt 115,9 triệu USD, giảm 16%); Hóa chất (đạt 90,6 triệu USD, tăng 10,2%).
Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Singapore trong thời gian qua là điểm sáng tiêu biểu cho hợp tác kinh tế song phương hiệu quả, cùng có lợi tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa |
Từ những kết quả trên, Bộ Công Thương cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Singapore trong thời gian qua là điểm sáng tiêu biểu cho hợp tác kinh tế song phương hiệu quả, cùng có lợi tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Singapore đang được mở rộng theo hướng đa dạng và bền vững, phù hợp với xu thế hiện nay như chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh…
Đáng chú ý, theo đánh giá từ Bộ Công Thương quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Singapore đã có được những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Singapore và tháng 8/2023 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng có đã chuyến thăm chính tới Việt Nam, chuyến thăm và làm việc của các nhà lãnh đạo tiếp tục củng cố, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước vì hòa bình, ổn định chung trong khu vực và thế giới.
Với Bộ Công Thương, những năm gần đây, để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các đơn vị chức năng trong Bộ đã liên tiếp có những buổi làm việc với lãnh đạo của Bộ đối tác, trao đổi, thảo luận đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Mới đây nhất, tháng 3/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng. Trong buổi làm việc, hai Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Hai Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các công ty, tập đoàn hai bên trong việc thúc đẩy dự án hợp tác năng lượng, nhất là năng lượng sạch, phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay; nhấn mạnh các lợi ích mang lại cho mỗi quốc gia nếu hai bên cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Hai Bộ trưởng đã sẽ xem xét khả năng kêu gọi sự tham gia của đối tác khác để thúc đẩy hợp tác năng lượng; trong đó, đặc biệt quan tâm tới các nguồn năng lượng gió, năng lượng sạch. Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thị trường Việt Nam còn mới mẻ với lĩnh vực này nên cần có các tư vấn chính sách và mong muốn Singapore chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tư vấn trong việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan, làm cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác về năng lượng và năng lượng sạch với Singapore và các nước khác. Cùng đó, đề nghị nhóm công tác của hai Bộ làm việc, trao đổi ở cấp kỹ thuật để cụ thể hóa định hướng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với tiềm năng của hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Singapore và Việt Nam thúc đẩy hợp tác giữa các Viện, các trường để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng; đề nghị Singapore hỗ trợ đơn vị của Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, năng lượng, thương mại, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Từ ngày 5-7/6/2024, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF và nhiều hoạt động bên lề... Tháp tùng Bộ trưởng trong chuyến công tác có đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế... Về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị chức năng: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Dầu khí và Than; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương... Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF), được thành lập bởi Hoa Kỳ và 13 quốc gia đối tác vào tháng 5 năm 2022, nhằm thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao trên bốn trụ cột: Nền kinh tế kết nối, Nền kinh tế kiên cường, Nền kinh tế sạch và Nền kinh tế công bằng. Phù hợp với các mục tiêu này, chương trình trao đổi Lãnh đạo theo yêu cầu (Leaders Lead On-Demand) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đảm bảo tính bao trùm trong lợi ích kinh tế, củng cố nỗ lực chống tham nhũng và nuôi dưỡng một đội ngũ doanh nhân năng động Trọng tâm chính của chương trình là việc tạo dựng, phát triển và duy trì mạng lưới IPEF, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và thịnh vượng kinh tế trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. |