Thứ hai 23/12/2024 11:09

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chủ động bám sát thực tế, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu

Ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra những giải pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chủ động dự báo khó khăn để phát huy tối đa thời cơ

Tại phiên họp, Chính phủtập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, đất nước ta có nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, trong đó có các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội, Quốc hội đã bầu đồng chí Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp

Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý I/2023 - quý khởi đầu và tạo đà cho cả năm 2023 – năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá khách quan, trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm; dự báo sát tình hình sắp tới, chỉ ra những thuận lợi, thời cơ và những khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, vượt qua các thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải.

Thủ tướng nhắc tới một số vấn đề trên thế giới tác động tới tình hình trong nước như lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục ở mức cao, Fed đã phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao thời gian tới. Thủ tướng cũng đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân... Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, tác động lan tỏa, truyền cảm hứng để làm các công việc khác.

Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 2,82 tỷ USD

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diêncho biết, hai tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5% - 1%. Kinh tế Mỹ và EU tăng trưởng dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraine và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung quốc. Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... dẫn tới các hệ luỵ khiến tổng cầu thế giới giảm sút; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu…

Ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo được tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Đồng thời, hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; song song với triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm…

“Tuy nhiên, suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhanh hơn dự kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp

Hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập giảm khoảng 13%, trong đó xuất khẩu ước đạt 49,45 tỷ USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 46,6 tỷ USD, giảm 16%; song cán cân thương mại tiếp tục ở mức xuất siêu 2,82 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13% so với cùng kỳ, quy mô và tốc độ tăng đang dần bắt kịp với với tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước dịch bệnh.

Dự báo trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết tình hình quốc tế vẫn còn diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, lạm phát và lãi suất duy trì mức cao, tổng cầu giảm. Xung đột tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực khiến đầu tư giảm và gián đoạn. Các nước phát triển ngày càng có nhiều tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng và hàng hóa nhập khẩu, trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Ở trong nước, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

Song “Tư lệnh” ngành Công Thương cho rằng vẫn có những dấu hiệu tích cực. Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan; Thị trường xuất khẩu chủ lực ở các nước khu vực châu Âu vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương trừ Liên bang Nga; Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; Cam kết của Việt Nam hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường tại COP26 sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm này ở khu vực châu Âu - châu Mỹ gia tăng; Theo công bố của S&P Global ngày 1/2/2023: sản lượng số lượng đơn đặt hàng mới của khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng.

Bộ Công Thương tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp trọng tâm

Để kịp thời thích ứng, vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ và thuận lợi, Bộ Công Thương đề ra 3 nhóm giải pháp chính để phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thời gian tới.

Một là, tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa.

Theo đó, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.

Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.

Hai là, đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo đó, tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin còn nhiều dư địa khai thác. Thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm covid. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án xuất khẩu chính ngạch.

Triển khai hiệu quả “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” và tập trung xây dựng Chiến lược phát triển các thị trường đến năm 2030 để có định hướng tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường thông qua triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; tiếp tục tổ chức giao ban xúc tiến thương mại định kỳ với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quy định và nhu cầu thị trường cho các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; Xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; Các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu...

Ba là, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước.

Theo đó, rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành; bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.

Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.

Toàn cảnh phiên họp

Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ:

Thứ nhất, sớm phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.

Thứ hai, sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) để ngoài việc phát triển điện lực còn giúp tạo dựng thị trường cho các ngành cơ khí năng lượng (như chế tạo các thiết bị điện gió, điện mặt trời, điện khí…) phát triển mạnh trong thời gian tới.

Thứ ba, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương (như của UBND tỉnh Quảng Nam), đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành, như tiếp tục ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (6 tháng hoặc đến hết năm 2023).

Thứ tư, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo để tiếp sức cho doanh nghiệp; xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị các địa phương phối với các Bộ, ngành đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng và các buổi đối thoại doanh nghiệp.

PV
Bài viết cùng chủ đề: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Nhân sự Trung ương: Thông tin về tổ chức nhân sự tại Quân chủng Hải quân

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Nhân sự 20/12: Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 trao quyết định về công tác cán bộ

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn

Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương