Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, sau khi đánh giá cao những thành tích của ngành Tài chính đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục thời gian tới. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính sách tài chính cần chủ động để khắc phục những khiếm khuyết của một nền kinh tế bước đầu vào kinh tế thị trường. Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền bạc, mà chính sách, công cụ tài chính phải thúc đẩy sự phát triển, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng nêu tiếp thực trạng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đều bị mắc lỗi khi được thanh tra, kiểm tra thuế. Có doanh nghiệp lỗi nhiều, có doanh nghiệp lỗi ít. Rõ ràng có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước. Những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Thủ tướng nhấn mạnh, cần khắc phục vấn đề này. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5 – 10 năm.
Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook…. Quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Theo Thủ tướng, một bộ phận cán bộ ngành Tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời đề nghị ngành Tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”. “Toàn ngành Tài chính phải chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Năm 2018 Bộ Tài chính xác định mục tiêu tổng quát của công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) là tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 07/-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018. Ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN, song song với huy động tối đa các nguồn lực tài chính khác để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Từ mục tiêu đó Bộ Tài chính xác định mục tiêu dự toán bội chi NSNN là 204 nghìn tỷ đồng (3,7% GDP) - năm 2017 là 174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48%GDP thực hiện; trong đó: bội chi ngân sách T.Ư 3,5% GDP (195 nghìn tỷ đồng); bội chi ngân sách địa phương là 0,2%GDP (9 nghìn tỷ đồng). Dự toán thu cân đối NSNN là 1.319,2 nghìn tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 1.523,2 nghìn tỷ đồng; trong đó: dự toán chi đầu tư phát triển là 399,7 nghìn tỷ đồng, dự toán chi thường xuyên NSNN là 940,74 nghìn tỷ đồng, dự toán chi trả nợ lãi là 112,5 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức điều hành dự toán chi NSNN tích cực, chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng dự toán được giao và khả năng thu NSNN. Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau. Giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định (3,7%GDP); phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN. Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh theo quy định và xử lý cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt tăng cường công tác thu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, mở rộng cơ sở thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.
Trong năm 2018 Bộ Tài chính sẽ tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP (năm 2017 nợ công khoảng 61,3% GDP), nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.