Thứ ba 19/11/2024 09:26

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023

Chiều 15/12 tại Ba Vì, Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2022- 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023-2024.

Hiện Bộ Công Thương đang quản lý 31 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Năm học 2022-2023, các cơ sở đào tạo ngành Công Thương đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Nhiều điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

Năm học 2022-2023 vừa qua, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, thách thức, song các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc Bộ đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và hướng dẫn của ngành chuyên môn, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ năm học và đã đạt được kết quả tích cực.

Cụ thể: Tuyển sinh đạt kết quả cao; ngành nghề đào đạo tiếp tục được mở rộng; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt; chất lượng đào tạo tiếp tục được nâng lên, gắn kết hơn với nhu cầu xã hội, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết: Năm học mới 2023-2024 đang diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với giải trình; tiếp tục đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, lấy người học làm trung tâm, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Hội nghị đã nghe báo cáo một số kết quả hoạt động của các trường trong năm học 2022-2023 qua một video clip ngắn gọn, phác thảo bức tranh toàn cảnh về công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng của Bộ Công Thương, các cơ sở đào tạo đã chủ động chuyển đổi trạng thái hoạt động, tổ chức dạy và học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác linh hoạt theo từng thời điểm, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Các trường đã sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong tổ chức giảng dạy, đảm bảo được cơ bản tiến độ, kế hoạch tuyển sinh, giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp trong năm học qua.

Tuyển sinh đại học đạt 96%, cao đẳng đạt 87%, trung cấp đạt 96,5% kế hoạch đề ra là nỗ lực đáng được ghi nhận đối với các trường trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh và phân cấp, phân luồng trong giáo dục hiện nay.

Quy mô đào tạo các năm gần đây tương đối ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, mở mới kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; bước đầu hình thành các ngành thế mạnh đặc thù tại một số trường để khẳng định thương hiệu.

Trong khuôn khổ hội nghị, các trường đã tích cực gửi bài tham luận và phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ tài nguyên số trong hệ thống thư viện và xây dựng mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với thị trường quốc tế. Việc áp dụng thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành của Nhật Bản tại Việt Nam đã hoàn thành chặng đường 5 năm, các trường thí điểm tham gia mô hình này đã có nhưng khóa sinh viên đầu tiên ra trường và được các doanh nghiệp Nhật Bản trong và ngoài nước tuyển dụng và đánh giá cao…

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thư viện số của nhà trường

Thành tích trong nghiên cứu khoa học là điểm nổi bật với 336.781 công trình do giáo viên và sinh viên các trường thực hiện. Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế 1797 bài đã từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các trường trực thuộc Bộ trong hệ thống các cơ sở đào tạo. Đó là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành, là công sức, nỗ lực của các thầy cô trong 1 năm vừa qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó cho các trường khu vực phía Bắc khi nhiều ngành nghề bị trùng lặp, chất lượng đào tạo đại trà, chưa tạo được điểm nhấn, sức cạnh tranh.

Ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, sinh viên thiếu kỹ năng, yếu về thái độ và kỷ luật lao động; cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin của hầu hết các trường chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Việc đánh giá, kiểm tra, khảo thí online cần tiếp tục khắc phục nhược điểm về tính công bằng, sát thực, an toàn an ninh mạng trong năm học 2022-2023; chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu nhân lực, việc làm - tuyển dụng - đào tạo - cung ứng nhân lực...

Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cho năm học 2023-2024

Trên cơ sở phân tích đánh giá một số thành tựu đã đạt được, những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân; căn cứ các mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và phương hướng năm học 2023 - 2024 của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, phát biểu kết luận, ông Nguyễn Anh Tuấn đã đề nghị các trường trong năm học 2023-2024 tập trung triển khai nhiệm vụ theo phương hướng cụ thể sau:

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật - công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số. Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tập trung ưu tiên tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp tại trụ sở chính của nhà trường.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cũng đề nghị các cơ sở đào tạo đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình; Chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trong trường (tái cấu trúc hoạt động) theo hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học liên ngành, ứng dụng thực tiễn; kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tiếp tục cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bằng nhiều biện pháp như: Xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; kết quả nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp; thông qua hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin... cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao nâng cao.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo và quản lý chất lượng đào tạo như: Đầu tư cho cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản lý đào tạo; đổi mới chương trình giáo trình; chủ động nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động trình độ cao, sự phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo để xác định ngành nghề đào tạo phù hợp; hình thành kênh thông tin 3 chiều giữa người đào tạo - người học - người tuyển dụng...

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ: Xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; từng bước hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và định hướng nghiên cứu phù hợp với quy mô, năng lực, thế mạnh của từng trường, kết hợp giữa trường với viện, trường – viện – doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương trao tặng Cờ thi đua cho 8 trường có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt’ năm học 2022-2023.

Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc củng cố các kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý; Tăng cường nguồn lực đầu tư và sử dụng có hiệu quả thông qua huy động vốn của cá nhân tổ chức trong nước thông qua hình thức đào tạo theo đặt hàng, liên kết đào tạo Trường - Doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu,... Huy động vốn của các tổ chức quốc tế, của chính phủ, phi chính phủ hoặc các công ty, tập đoàn kinh tế và các cá nhân nước ngoài... bằng các hình thức: liên doanh, liên kết, quyên góp, cho tặng dưới các hình thức khác nhau...

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 6 cơ sở đào tạo

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp qua đó, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu sinh viên, giảng viên thành các mô hình, dự án khởi nghiệp có giá trị cao cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội...

Cuối cùng, đẩy mạnh truyền thông và quản trị “thương hiệu” của mỗi cơ sở giáo dục đào tạo: thành lập bộ phận truyền thông chuyên biệt; xây dựng hệ thống tryền thông đa chiều; sử dụng hiệu quả các công cụ digital marketing để tiếp thị trên các mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ khác; lựa chọn thông điệp giáo dục phù hợp tác động trực tiếp vào nhận thức của người học...

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Cơ sở đào tạo Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết hôm nay 19/11/2024: Trung Bộ mưa to cục bộ

Hà Nội: Bán 19 thửa đất tại Thanh Oai, giá khởi điểm chỉ 5,3 triệu đồng/m2

Ký thỏa thuận đồng hành chương trình từ thiện 'Cùng em đến trường'

Dự kiến chi hơn 506 tỷ đồng tặng quà Tết Ất Tỵ 2025 cho người có công

Hội thi tuyên truyền về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024

Ban Bí thư chuẩn y ông Nguyễn Đức Tuy giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum

Trường Đại học Điện lực: Phát huy tinh thần sáng tạo của sinh viên qua nghiên cứu khoa học

Bão số 9 giật cấp 14, tiến vào vùng biển miền Trung

Thay đổi lịch chi trả lương hưu từ tháng 12/2024

Nhân sự Trung ương tuần qua: Bộ Chính trị điều động cán bộ từ địa phương

Dự báo thời tiết biển hôm nay 18/11/2024: Bắc Biển Đông có mưa bão

Tin bão số 9 - siêu bão Man-yi trên Biển Đông

Dự báo thời tiết hôm nay 18/11/2024: Miền Bắc đêm và sáng sớm trời rét

Thông tư mới về công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng dân quân tự vệ

Đà Nẵng: Lan tỏa mô hình ''Cổng trường bình yên''

Trường THPT Thượng Cát nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân kỷ niệm 20 năm thành lập

Quy định hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ từ ngày 1/7/2025

Lừa đảo vé concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai': Luật sư 'bóc' mánh khóe tinh vi

Không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100% khi khám sức khỏe lái xe

Bão Manyi sắp vào Biển Đông, Bộ NN&PTNT chỉ đạo ứng phó