Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế
Chỉ đạo điều hành 09/11/2024 17:30
Chính phủ phê duyệt 7 nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán bán dẫn đến năm 2030 Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm học 2023-2024 |
Ngày 9/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm học 2023 – 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Sau buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị đã nghe báo cáo một số kết quả hoạt động của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương trong năm học 2024 thông qua một báo cáo ngắn gọn, phác thảo bức tranh toàn cảnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Công Thương với nhiều kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
Trong đó, công tác tuyển sinh đại học đạt hơn 91%, cao đẳng đạt 81%, trung cấp đạt 74% kế hoạch đề ra là nỗ lực đáng được ghi nhận đối với các Trường trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh tuyển sinh và phân cấp, phân luồn trong giáo dục hiện nay.
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Cao Thắng trình bày tham luận về hợp tác quốc tế trong đào tạo, đào tạo bán dẫn, chuyển đổi số - AI tại hội nghị. |
Quy mô đào tạo của các trường các năm gần đây tương đối ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, mở mới kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; bước đầu hình thành các ngành thế mạnh đặc thù khẳng định thương hiệu; các trường đã dành hơn 210 tỷ đồng (tăng 5% so với năm trước) cho quỹ hỗ trợ sinh viên nhằm kịp thời động viên sinh viên học tập khá giỏi, thuộc đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Đáng chú ý, thành tích trong nghiên cứu khoa học là điểm sáng với 1.067 công trình do giáo viên và sinh viên các trường thực hiện. Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế là 2.240 bài đã từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các Trường trực thuộc Bộ trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng trao tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho 3 cá nhân thuộc các Trường Đại học, Bộ Công Thương, gồm: PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; và PGS.TS. Trịnh Trọng Chưởng - Phó Trưởng Khoa Điện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. |
Cùng với đó, chất lượng đội ngũ giảng viên được cải thiện với tỷ lệ 20,7% giảng viên có trình độ tiến sỹ, số lượng giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên đã góp phần làm thay đổi phương pháp dạy và học theo mô hình của các nước tiên tiến.
Đặt biệt, hoạt động hợp tác quốc tế của các trường sau tiếp tục phát triển, duy trì các hoạt động với các đối tác truyền thống, đảm bảo tiến độ cho việc chuyển giao chương trình, hợp tác xây dựng giáo trình, nghiên cứu khoa học, cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng trao tặng Danh hiệu Cờ Thi đua của Bộ Công Thương cho Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại do có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” năm học 2023 - 2024 |
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã được ghi nhận, cụ thể tại Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ, 3 trường Đại học (Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực) đã được dự kiến ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Thứ trưởng cho rằng việc triển khai kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khu vực phía Bắc; ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu đối với nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) trao tặng thưởng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 5 trường thuộc Bộ Công Thương đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2023 - 2024, gồm: Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại. |
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin của hầu hết các trường chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng; tỷ lệ sản phẩm nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, có giá trị ứng dụng cao trong ngành Công Thương, được thương mại hóa, ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống còn ít.
Trên cơ sở phân tích đánh giá một số thành tựu đã đạt được, những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân; căn cứ các mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các trường triển khai nhiệm vụ theo phương hướng trọng tâm.
Cụ thể, Thứ trưởng đề nghị các trường tự chủ theo từng cấp độ đánh giá kết quả triển khai, rút kinh nghiệm và đề xuất giải quyết vướng mắc, tồn tại; tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi mặt hoạt động.
Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 9 trường thuộc Bộ đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt” năm học 2023 - 2024, gồm: Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp, Trường Cao đẳng Du lịch và Công Thương, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công Thương |
Đồng thời, tổ chức sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Hội đồng trường ở tất cả các trường và việc sáp nhập các cơ sở đào tạo theo Kế hoạch đã được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đề ra.
Song song đó, các trường cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý thông qua: xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; tăng cường hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,.. cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao nâng cao.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các trường xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, gồm: Đổi mới đồng bộ chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu thị trường, nắm bắt xu thế phát triển ngành nghề đào tạo mới để thay đổi theo hướng đa dạng, có tính liên kết giữa các ngành; xây dựng các mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng và dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các trình độ đào tạo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương vinh danh các thầy cô giáo được công nhận học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư năm học 2023 - 2024 tại hội nghị |
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ theo phương hướng phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, thông qua chú trọng xây dựng cơ chế, đảm bảo nguồn lực và nhân lực tương xứng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu có khả năng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa.
Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế; duy trì, phát triển các mối quan hệ hợp tác sẵn có. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế; xây dựng, hoàn thiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế đối với các ngành nghề có thế mạnh của các trường, đặc biệt là các ngành đặc thù đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao thuộc ngành Công Thương.
Ngoài ra, các trường tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học thông qua huy động tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tập trung đầu tư, trang bị một số ngành, nghề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với định hướng đào tạo, chiến lược phát triển của trường…
Thứ trưởng cũng lưu ý, tiếp tục triển khai các Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: trường học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên và là nơi nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của sinh viên.
“Với tinh thần trên, lãnh đạo các trường tự đổi mới tư duy, hình thành tổ chức của mình có văn hóa, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng phục vụ phát triển của ngành Công Thương”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng kỳ vọng.