Bộ Công Thương thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững
Thông tin được ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng – Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định như vậy, tại Hội thảo “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp", diễn ra sáng 14/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng – Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), phát biểu khai mạc hội thảo |
Thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng – Vụ Tiết kiệm Năng lượngvà phát triển bền vững (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh: Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất phải tiếp cận để xây dựng mô hình kinh doanh của mình theo mô hình CE - Nền sản xuất hàng hóa bền vững, tiết kiệm tài nguyên. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022 cũng đã khẳng định và đặt cơ sở pháp lý rất cụ thể cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp" sáng 14/10/2022D |
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo mô hình CE, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững tại Quyết định số 76.
Đáng chú ý, nhằm góp phần thay đổi mô hình sản xuất và mô hình tiêu dùng theo hướng bền vững tại Việt Nam, vào năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Thời gian qua Bộ Công Thươngđã triển khai một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điển hình là xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế; áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp hay xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tiết kiệm năng lượng với Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trong khuôn khổ hội thảo |
Cùng với đó, Bộ Công Thương phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn các dạng năng lượng tái tạo tại chỗ (như mặt trời, khí sinh học…) quy mô công nghiệp; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, áp dụng xây dựng cho ngành phân bón…
“Sau 2 năm triển khai thực hiện, 24 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, xây dựng được Bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững; xây dựng được bộ bài giảng đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho giảng viên, tuyên truyền viên; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành… Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vừng giai đoạn đoạn 2021 – 2030” - ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.
Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững
Nền kinh tế tuần hoàn mở ra một xu thế mới của thời đại, thay thế nền kinh tế tuyến tính. Thách thức đặt ra với nền kinh tế tuyến tính hiện nay chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, môi trường ô nhiễm và việc xử lý các chất thải ra môi trường khó khăn. Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một xu thế, một tư duy mới trong thời đại ngày nay.
Đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trình bày những điểm chính Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền Vững giai đoạn 2021-2030, một số kết quả chính năm 2022, định hướng 2023 và các năm tiếp theo tại hội thảo |
Tại hội thảo, ông Cù Quang Huy - Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trình bày những điểm cốt lõi Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền Vững giai đoạn 2021-2030, một số kết quả chính năm 2022, định hướng 2023 và các năm tiếp theo.
Theo đó, về mục tiêu tổng quát Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền Vững đến năm 2030: Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững. Cũng như tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận về kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn trong sản xuất và tiêu dùng |
Đặc biệt, tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia, cộng đồng danh nghiệp đã có những tham luận chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững trong giai đoạn tới.
Theo đó, GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có báo cáo tham luận về kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn trong sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Phượng – Viện công nghiệp môi trường đưa ra các giải kỹ thuật áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Còn TS . Nguyễn Thị Lê Liên - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) cũng chia sẻ về xu hướng phát triển bền vững trong ngành dệt may; các giải pháp sản xuất bền vững điển hình trong ngành dệt may; hay Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp đến Công ty Cổ phần kỹ thuật Tự động Song Nguyên…
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ khẳng đinh, sẽ tiếp thu các ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, đại biểu các sở, ban ngành và các địa phương để tổng hợp báo cáo với Lãnh đạo Bộ Công Thương để triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ giao. Đồng thời, mong muốn các ban, ngành, các địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương để triển khai thành công Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững trong giai đoạn tới.