Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Quảng Ninh về hoạt động sản xuất than
Quang cảnh buổi làm việc |
Cùng tham dự buổi làm việc, có lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) và lãnh đạo nhiều sở ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh, một số địa phương trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng công ty Đông Bắc đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017; nhiệm vụ kế hoạch phát triển mọi mặt hoạt động trong năm 2017 (các chỉ tiêu chủ yếu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực, quyết liệt công tác cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh…).
Bên cạnh những mặt trên, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cũng nêu nhiều khó khăn vướng mắc và đưa ra những kiến nghị, đề xuất cần tháo gỡ liên quan đến sản xuất tiêu thụ than.
Để đảm bảo bù đắp được giá thành phù hợp với thị trường tiêu thụ, thực hiện Công văn số 455/VPCP-KTTH ngày 17/3/2016 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 3005/QĐ-TKV ngày 23/12/2016 về điều chỉnh giá than từ 3% - 10,7% (tùy từng chủng loại). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các hộ điện chưa ký hợp đồng mua than năm 2017 với TKV do chưa thống nhất về giá than áp dụng từ 24/12/2016. Ngoài ra chương trình hạ cao độ các bãi thải trong quá trình khai thác than trên địa bàn tỉnh và tính phí đổ đất đá san lấp mặt bằng làm đường bao biển vào giá thành than đã làm cho giá than tăng không thể cạnh tranh.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cơ bản được kiểm soát tốt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành Than; duy trì mục tiêu ổn định sản xuất. Định kỳ 3 tháng, UBND tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành, địa phương làm việc với các đơn vị ngành Than để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển.
Tuy nhiên, để duy trì sản xuất ổn định, phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương sớm báo cáo đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ những khó khăn, như: Ban hành nghị định về quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản; điều chỉnh Nghị định số 142/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhằm tăng nặng mức xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Đồng thời, cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét ban hành cơ chế phù hợp việc xử lý than trôi nổi, vấn đề chất thải…, cần sớm phê duyệt Quy hoạch chi tiết các vùng than theo Quy hoạch 403 của Thủ tướng Chính phủ; có ý kiến với Bộ TN&MT về việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thăm dò, khai thác than; phê duyệt đề án cung cấp than cho sản xuất điện giai đoạn 2016- 2020, để TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn sản xuất than...
PCT Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu: Những khó khăn vướng mắc của ngành Than được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - Đặng Huy Hậu, nhấn mạnh, những năm qua, ngành Than luôn đóng góp tỷ lệ lớn trong GDP của Quảng Ninh, góp phần giải quyết lao động và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH chung toàn tỉnh. Những khó khăn, vướng mắc của ngành Than được tỉnh quan tâm, đồng thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh tập trung tháo gỡ, đảm bảo các dự án của ngành Than được triển khai kịp thời, đúng tiến độ. Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, ông Hậu cũng khẳng định, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ và đề nghị các Bộ, ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho ngành Than trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện lãnh đạo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã giải đáp những kiến nghị của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Quảng Ninh và ngành Than.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải đáp những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành Than |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, than là mặt hàng chiến lược hết sức quan trọng. Vấn đề than không phải việc riêng của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, cũng không phải việc riêng của Bộ Công Thương, hay của tỉnh Quảng Ninh. Đây là vấn đề của nhiều Bộ ngành quan liên quan và được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Là Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương coi than là lĩnh vực hết sức quan trọng, vì than là mặt hàng chiến lược là đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác, ví dụ như: phân bón hóa chất, xi măng, điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải hỏi thăm công nhân khai thác than tại mỏ Hà Lầm mức -300 cơ giới hóa đồng bộ |
Lãnh đạo Công ty Than Hà Lầm báo cáo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải về hiệu quả cơ giới hóa đồng bộ |
Trước buổi làm việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty CP Than Hà Lầm, đồng thời xuống kiểm tra mỏ than Hà Lầm công suất lớn nhất ngành Than (1,2 triệu tấn), được cơ giới hóa đồng bộ mức -300.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: “Bộ Công Thương rất quan tâm đến việc phối hợp với Bộ, ngành liên quan và địa phương, để tháo gỡ khó khăn cho ngành Than. Việc tổ chức nghe những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành than, Bộ Công Thương, cũng như UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm nhiều lần và việc này sẽ còn phải tiếp tục nữa, để hiểu, chia sẻ và tiếp tục phải tháo gỡ những việc cụ thể hơn, quyết liệt hơn và quan trọng là để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Tất cả những việc đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành tỉnh Quảng Ninh, cũng như của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, giải quyết từng việc cụ thể”. |