Bộ Công Thương điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng cuối năm 2023
Sẵn sàng kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bộ Công Thương luôn có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu |
Trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới cũng như sơ kết 6 tháng thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở kết quả thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng cuối năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đánh giá của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho thấy, do có sự chủ động trong phân giao tổng nguồn nhập khẩu nên kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện công tác điều hành giá
Đối với công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Bên cạnh đó, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đến kỳ điều hành ngày 21 tháng 7 năm 2023, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 21 kỳ điều hành giá. So với cùng kỳ năm 2022 (kỳ điều hành 21/7/2022), giá các mặt hàng xăng dầu giảm từ 4,97% đến 23,99%.
Cụ thể, xăng RON92 ở mức 21.639 đồng/lít, giảm 13,28%, xăng RON95 ở mức 22.792 đồng/lít, giảm 12,57%, dầu hỏa ở mức 19.189 đồng/lít, giảm 23,99%, dầu diesel ở mức 19.500 đồng/lít, giảm 21,55%, dầu mazut ở mức 15.725 đồng/kg, giảm 4,97%.
Thời gian tới, để đảm bảo việc điều hành xăng dầu được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành Giá để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới.
Bên cạnh đó, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao), góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời, tiếp tục khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao.