Bộ Công Thương: Đảm bảo cao nhất công tác cấp điện năm 2024
Kịch bản nào cho thiếu điện?
Năm 2024 được dự báo Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa và nước về các hồ thủy điện sẽ diễn biến phức tạp.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu diễn biến thời tiết không quá cực đoan, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong năm 2024.
Theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%), 2 kịch bản lưu lượng nước về: Thứ nhất, bình thường (tần suất nước về 65%); thứ hai, cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào...).
Tuy nhiên, công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối diện với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng. Trong trường hợp cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7. Khi đó sẽ cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của 1 số khách hàng sử dụng nhiều điện sang thời điểm ngoài cao điểm.
Có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất tại một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7/2024 (Ảnh minh họa:Thu Hường) |
Về dài hạn, trong thời gian tới, Bộ Công Thươngsẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Kế hoạch này được phê duyệt nhằm triển khai các dự án nguồn điện, lưới điện kịp thời phục vụ cung cấp điện cho đất nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện lực, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Đảm bảo cao nhất khả năng cung ứng điện
Trước đó, tại Hội nghị Tiết kiệm điện mùa nắng nóng, do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) và Cục Điều tiết điện lực tổ chức ngày 18/8 tại Hà Nội, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, dự báo tăng bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 - 4.500 MW/năm.
Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 là 1.950 MW và năm 2025 là 3.770 MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, còn nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng tới 10%/năm. Do vậy, miền Bắc có khả năng đối diện thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6-7/2024 (thiếu từ 420 - 1.770 MW).
Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Lào năm 2019, đến năm 2025, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào; năm 2030 tăng lên 5.000 MW và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép. Với thực trạng trong 2 năm tới, miền Bắc vẫn chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc vào mùa khô vẫn rất cao.
Đường dây 220 kV Nậm Mô - Tương Dương phục vụ mua điện từ Lào về Việt Nam đã hoàn tất. Ảnh: EVNPMB1 |
Về điện nhập khẩu từ Lào, đến tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu khoảng 2.698 MW điện từ Lào. Trong đó, EVN đã ký 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy điện ở Lào với tổng công suất 2.240 MW. Đến nay, đã có 6 nhà máy điện được chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW, trong đó có 4 dự án (tổng công suất 249 MW) EVN giao Công ty mua bán điện (thuộc EVN) đàm phán PPA, 2 dự án thủy điện đã có thông báo ngừng bán.
Theo EVN, nếu đẩy nhanh công tác nhập khẩu, đấu nối điện từ cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô và nhà máy thủy điện Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và có phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2 sẽ bổ sung đáng kể nguồn điện (đấu nối qua đường dây 220 kV), đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV khoảng 550 - 800 MW. Tuy vậy, trong 2 năm 2024 - 2025 tới, nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc vẫn rất cao.
Trước dự báo trên, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện năm 2024.
Theo tính toán của EVN (Công văn số 4986/EVN-KH), tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (tháng 9 - 12) ước đạt 95,6 - 97,2 tỷ kWh, tăng từ 9,9 - 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9 - 283,6 tỷ kWh, tăng khoảng 5,1 - 5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1 - 99,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho hay, theo cập nhật của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, năm 2024, nguồn điện truyền thống được bổ sung từ nhà máy thủy điện Ialy vào tháng 11/2024 thêm 180 MW. Còn nguồn thủy điện nhỏ dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 5.594 MW, sang năm 2024 dự kiến bổ sung 474 MW, nâng tổng công suất thủy điện nhỏ toàn quốc năm 2024 đạt 6.068 MW. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng tái tạo có điện gió dự kiến bổ sung 573 MW.
“Trong dài hạn, khi chúng ta tăng mạnh nguồn điện tái tạo theo lộ trình chuyển dịch năng lượng, thì việc kết nối lưới điện càng rộng sẽ giúp Việt Nam chủ động xuất, nhập khẩu điện, tăng ổn định hệ thống và điều hòa sự thất thường của nguồn điện gió, mặt trời. Đó cũng là xu thế chung của thế giới” - lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực thông tin.
Quyết liệt triển khai các giải pháp
Trước những phân tích, dự báo và tiến độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện, Bộ Công Thương đã và sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024.
Cụ thể, EVN, các Tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật; Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo sự chủ động trong việc khai thác, nhập khẩu than của các đơn vị tham gia cung ứng than.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các Tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019, chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, cũng như hạ tầng tiếp nhận than; Tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia; Đảm bảo các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống...
Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than khắc phục tình trạng suy giảm công suất. Ảnh: NĐTB2 |
Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao.
Bên cạnh đó, EVN/Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng.
Ngoài ra, các chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chủ động chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; sử dụng tiết kiệm tối đa lượng nước xả từ các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc phục vụ cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân hàng năm.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất các giải pháp thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái ở những khu vực điều kiện kỹ thuật lưới điện cho phép (khu vực miền Bắc, các khu đô thị, khu/cụm/nhà máy công nghiệp, các khu công sở, trường học, bệnh viện…; EVN/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, trong đó đáng chú ý là công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định – Phố Nối.
EVN và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào. Bên cạnh đó, EVN chủ động phối hợp với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo cùng với các nguồn điện khác.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đầu tư các dự án nguồn điện đang triển khai xây dựng như Ialy mở rộng, LNG Nhơn Trạch 3 & 4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, chú trọng đến các dự án năng lượng trong danh mục ưu tiên.
Chú trọng công tác tiết kiệm điện
Theo dự báo, năm 2024 khả năng thiếu điện ở miền Bắc vẫn có thể xảy ra, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, đánh giá: Nhu cầu điện hàng năm tăng trưởng cao, nhu cầu tiêu thụ điện (điện thương phẩm) giai đoạn 2016 - 2022 tăng trưởng bình quân 7,72%/năm. Trong đó, trong 4 năm 2016 - 2019 mức tăng trưởng lên tới 9,6%/năm.
Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên một người dân năm 2022 ước đạt 2.425kWh/người, tăng 1,55 lần so với năm 2015 (1.566kWh/người). Nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng cao đột biến, có thời điểm công suất tiêu thụ cực đại tăng cao đột biến như ngày 19/5/2023 lên tới 43.300MW (tăng 9,12% so với cùng kỳ).
"Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những chính sách quan trọng hàng đầu đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu trên thế giới đều tăng cao như hiện nay", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Tiếp tục triển khai công tác tiết kiệm điện. Ảnh: Ngọc Lan |
Do vậy, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, đầu tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn EVN, TKV, PVN và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Về dài hạn, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Kế hoạch này được phê duyệt. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về điện lực, trước mắt tập trung vào việc xây dựng Luật Điện lực sửa đổi..
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương
Để đảm bảo cung ứng cao nhất nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân năm 2024, bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, sớm xây dựng Kế hoạch xả nước đổ ải phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân năm 2024 theo hướng sử dụng tiết kiệm tối đa, hiệu quả nguồn nước xả từ các nguồn thủy điện.
Đảm bảo mục tiêu giữ mực nước tại các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý (Ảnh: TĐSL) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn EVN, các Chủ hồ chứa thủy điện trong việc điều tiết linh hoạt, tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng cho hệ thống điện; Phối hợp với các Chủ hồ chứa thủy điện tăng cường chất lượng dự báo diễn biến thời tiết, nhất là các yếu tố thời tiết dị biệt; Hướng dẫn các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than vận hành các nguồn nhiệt điện than đáp ứng các tiêu chuẩn/quy chuẩn về môi trường, đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Cùng với đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; Tăng cường thực hiện nghiêm, tích cực Chỉ thị Tiết kiệm điện trên toàn quốc; Sớm có quyết định đối với các công trình nguồn điện đã có chủ đầu tư, tuy nhiên, chậm triển khai công tác đầu tư xây dựng; Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt (Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình điện đã được phê duyệt).
Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng kế hoạch cung cấp điện 2024 nhằm đảm bảo cao nhất việc cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong năm tới.