Bộ Công Thương chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Tăng cường công tác PCCC
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2603/QĐ-BCT ngày 18/11/2021 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 02-KL/TW (Kết luận 02) ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW (Chỉ thị số 47) của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và Quyết định số 1492/QĐ-TTg (Quyết định số 1492) ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 02 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC.
Bộ Công Thương chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ |
Theo đó, về mục tiêu, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Kết luận 02 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC (Kết luận 02). Tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 1492 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2129/QĐ-BCT ngày 11/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương về hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC (Quyết định số 2129) và Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 17/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác PCCC ngành Công Thương (Chỉ thị số 09).
Kế hoạch yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Kết luận 02 và Quyết định số 1492. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định số 2129 và Chỉ thị số 09. Bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện Kết luận 02 và Quyết định số 1492. Cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện Kết luận 02 và Quyết định số 1492; Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong triển khai các nhiệm vụ được giao; Bảo đảm các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 02 và Quyết định số 1492.
Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại trong PCCC&CNCH
Về nội dung thực hiện, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý rà soát các nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến đơn vị tại Kết luận 02 và Quyết định số 1492 để tổ chức triển khai thực hiện thực hiện. Trong đó, lưu ý một số nội dung chủ yếu: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận 02, Quyết định số 1492 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương. Xác định PCCC&CNCH là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển. Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu để xảy ra cháy nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết bảo đảm an toàn cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra cháy và xảy ra vi phạm nghiêm trọng mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, loại bỏ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ.
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC&CNCH. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH, nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó đẩy mạnh xây dựng, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và phát huy lợi thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phục vụ công tác PCCC&CNCH. Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để bảo đảm cho công tác PCCC&CNCH.
Kế hoạch cũng được giao nhiệm vụ cụ thể tới các đơn vị: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Thanh tra Bộ, Báo Công Thương, Sở Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tập đoàn, các tổng công ty và các đơn vị thuộc ngành Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch được giao tại Quyết định số 2129 và Chỉ thị số 09.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Công Thương (qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) trước ngày 15/9 hàng năm.
Đồng thời, giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với ngành liên quan giúp lãnh đạo Bộ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương.