Bộ Công Thương báo cáo về tình hình thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính
Trong Văn bản số 175/BC-BCT ngày 8/7 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã báo cáo về tình hình thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2024.
Theo đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xác định là nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước và luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công Thương. Các đơn vị thuộc Bộ đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc thực hiện đánh giá tác động chính sách đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương được xây dựng và đánh giá theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đối với quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Pháp chế kiểm tra chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (nếu có).
Quy định về đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật duợc quy định chi tiết cụ thể trên các tiêu chí về: Sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ pháp luật... Qua đó, giúp cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, góp phần giảm gánh nặng hành chính và duy trì tính công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Tuy nhiên, hiện nay, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ yếu làm nhiệm vụ chuyên môn, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác xây dựng pháp luật; khối lượng công việc nhiều, chưa thực sự đầu tư lớn về thời gian và phần lớn chưa thành thạo kỹ năng tham mưu hồ sơ đề nghị, soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ tham mưu chính sách, trong đó bao gồm cả việc đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 đảm bảo đúng tiến độ theo Chương trình, kế hoạch đã đề ra. Chủ động rà soát những nội dung được giao trong việc xây dựng đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính để tổ chức đánh giá tác động thủ tục hành chính một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương. Tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên sâu về đánh giá tác động thủ tục hành chính cho đội ngũ công chức kiểm soát thủ tục hành chính, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật một cách thường xuyên, với hình thức đa dạng, tập trung nhiều vào các bài tập thực hành thay vì chỉ tập huấn về lý thuyết…
Tại văn bản này, Bộ Công Thương cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị như: Có chế độ đãi ngộ hợp lý, tiếp tục thực hiện chế độ đối với cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương theo quy định hiện hành, tạo môi trường làm việc lành mạnh, cơ hội học tập, đào tạo cho đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để họ gắn bó hơn với công việc xây dựng văn bản. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành về công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính nói riêng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những mặt yếu kém, tồn tại, hạn chế và đề xuất tuyên dương, khen thưởng đối với Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác này…