Thứ tư 01/01/2025 16:28

Bộ Công Thương bám sát quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Bộ Công Thương luôn bám sát, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực được phân công nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

Đồng hành cùng địa phương đạt kết quả tốt

Tính tới thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thành Chương trình công tác năm 2023 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong lĩnh vực được phân công.

Cụ thể, Bộ đã hoàn thành công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG tại 3 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp); kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG nông thôn mới tại 6 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị; Yên Bái; Phú Thọ; Đồng Nai; Bình Dương. Đồng thời, hoàn thành chương trình tập huấn, hướng dẫn nội dung nông thôn mới thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách với 3 hội nghị tổ chức tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.

Đánh giá chung cho thấy, các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn của các tỉnh, thành phố phù hợp với quy định của Trung ương, tạo cơ sở, định hướng để địa phương thực hiện tốt các Chương trình MTQG trên địa bàn.

Bộ Công Thương bám sát quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Chính sách giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả và đi vào cuộc sống người dân đến tận cơ sở, hộ gia đình, mở ra cơ hội cho hàng ngàn người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất của người dân góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Riêng với Chương trình MTQG nông thôn mới, các Sở Công Thương đã có sự chủ động, tích cực với vai trò là cơ quan chỉ đạo, theo dõi tiêu chí điện, tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chỉ tiêu cụm công nghiệp. Hệ thống lưới điện hầu hết đã chuyển giao cho ngành điện quản lý bán trực tiếp, tạo được sự đầu tư thống nhất, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Đối với cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, các tỉnh đã có quy hoạch tổng thể về hệ thống thương mại trong toàn tỉnh và đã từng bước chủ động kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ.

Bộ mặt nông thôn theo đó có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa được triển khai tích cực; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm...

Khắc phục khó khăn, đạt mục tiêu lớn

Dù vậy, theo Bộ Công Thương, việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, vốn đầu tư lớn, bán kính cấp điện của các trạm biến áp phân phối lớn. Bên cạnh đó, các hộ dân ở nông thôn sinh sống không tập trung, nhiều hộ dân ở xa lưới điện quốc gia. Hàng năm, số hộ dân nông thôn phát sinh tăng do tách hộ và lập thêm hộ mới khiến chi phí đầu tư hành lang lưới điện lớn.

Đa số chợ nông thôn họp theo phiên nên các cơ sở kinh doanh trong chợ không ổn định; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại một số chợ đã xuống cấp, không đồng bộ, diện tích xây dựng nhỏ không còn phù hợp, lối đi hẹp không đủ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Trong khi đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chợ còn hạn chế, chủ yếu là vốn xã hội hóa của doanh nghiệp. Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh và khả năng thu hồi vốn dự án chợ nông thôn thấp khiến mạng lưới chợ nông thôn khó thực hiện đầu tư đạt chuẩn theo quy định do nhu cầu chưa nhiều, lượng lưu thông hàng hóa qua chợ còn hạn chế nên các doanh nghiệp chỉ đầu tư với quy mô nhỏ.

Mặt khác, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững thành quả của một số xã sau đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội, y tế,.... Kết quả, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao không duy trì đạt đủ 19/19 tiêu chí.

Trước những khó khăn trên, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ hơn nữa nhằm thực hiện tốt các Chương trình MTQG trong thời gian tới.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét tăng định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở lên 80 triệu/hộ để phù hợp với tình hình thực tế giá cả thị trường trong giai đoạn tiếp theo giai đoạn 2026 - 2030.

Chính phủ rà soát điều chỉnh cho phù hợp đối với tiêu chí 9.3 (Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới) quy định trong 2 năm liên tục trước năm xét công nhận, không có công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với Tiểu Dự án 1, Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, đề xuất cho phép thực hiện các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp như: Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, kết quả sau đào tạo; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Y tế phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong đó quy định nhóm đối tượng thực hiện không phân biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, địa bàn đối với trẻ em dưới 6 tuổi (quy định hiện tại chỉ áp dụng đối với trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo).

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Chương trình mục tiêu quốc gia