Bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tài sản nhà nước tại địa phương
Giúp địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước
Trong những năm qua, việc quản lý, điều hành theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật đã tạo được sự chuyển biến quan trọng và ngày càng chủ động, hiệu quả hơn, việc công khai ngân sách cũng được đẩy mạnh, từng bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính trong quản lý ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí, về cơ chế chính sách cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước.
Với đặc thù nội dung kiểm toán liên quan đến việc quản lý, điều hành ngân sách của các tỉnh, thành phố với 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) và mang tính thường xuyên, trong 30 năm qua, lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương đã có nhiều phát hiện, đóng góp cho kết quả chung của toàn ngành. Bên cạnh các kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách, Kiểm toán nhà nước cũng có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách tại các địa phương, bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Đồng thời, các kiến nghị kiểm toán cũng tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương. Kết quả kiểm toán cũng giúp các địa phương có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về thực trạng tài chính, chất lượng công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kịp thời phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý ngân sách nhà nước, góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (ngồi giữa) và lãnh đạo địa phương ký Quy chế phối hợp công tác |
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Kiểm toán nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát về tài chính, tài sản công, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình và thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua các cuộc kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp, hỗ trợ, tư vấn cho TP. Hà Nội nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quản lý tài chính, ngân sách nói riêng, giúp thành phố hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao.
“Đặc biệt, các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã giúp Hà Nội nhận diện những vấn đề còn hạn chế, có sai sót, cung cấp thông tin tin cậy, chính xác và có tính pháp lý để thành phố có sơ sở quyết nghị những vấn đề, chủ trương, chính sách lớn, chấn chỉnh những hoạt động còn vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn”, ông Hà Minh Hải khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã hỗ trợ địa phương hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công. Trên cơ sở kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, HĐND tỉnh Bình Định đã tiến hành rà soát các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài chính ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, phê chuẩn dự toán và quyết toán, điều hành ngân sách địa phương hàng năm.
“Hoạt động kiểm toán trên các lĩnh vực góp phần xác định những hạn chế trong hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng quy định”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ, trên cơ sở các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, địa phương đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, bởi đây không chỉ là quy định mang tính pháp luật mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tăng cường phối hợp “gọn nhưng chất”
Hàng năm, Kiểm toán nhà nước đều gửi báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để tăng cường phối hợp trong công tác lập kế hoạch, triển khai kiểm toán và đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, trong các năm 2023 - 2024, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện sơ kết và triển khai ký Quy chế phối hợp công tác/thỏa thuận hợp tác với hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua đó, sự phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đơn vị được kiểm toán trong hoạt động kiểm toán ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Bên cạnh việc tăng thu, giảm chi, Kiểm toán nhà nước cũng có nhiều kiến nghị nhằm bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tài sản nhà nước tại các địa phương |
Để tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách cho các địa phương, UBND TP Hà Nội đề xuất: Kiểm toán nhà nước đẩy mạnh thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với những nhiệm vụ mới, những dự án liên quan đến đời sống dân sinh như: Cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, vận tải hành khách công cộng… làm cơ sở để thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật. Kiểm toán nhà nước cũng tạo điều kiện chia sẽ dữ liệu số, cung cấp thông tin số liệu để hỗ trợ TP. Hà Nội cải cách hành chính, hiện đại hoá, chuyển đổi số trong quản trị, điều hành hoạt động bộ máy hành chính.
Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị: Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến với HĐND thành phố trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trước khi được Thường trực HĐND, UBND đề nghị; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách do thành phố ban hành nhưng không còn phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời, phối hợp với Thường trực HĐND thành phố kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp với thực tế của thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần tham gia ý kiến với HĐND, UBND tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách trên địa bàn. Đồng thời, chia sẻ với địa phương các bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả của các địa phương khác; phối hợp bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp việc tuyên truyền phổ biến về Luật Kiểm toán nhà nước, quy trình, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương, phát triển kinh tế bền vững.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, thời gian tới, công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung vào việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hàng năm sát và đúng; xây dựng kế hoạch kiểm toán với phương châm “gọn nhưng chất”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường phối hợp với Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
“Kiểm toán nhà nước sẽ ban hành hướng dẫn các đơn vị trong ngành đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp đối với những tình huống đặc biệt; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kiểm toán nhà nước và các địa phương cần phối hợp trong việc xử lý các tin báo, đơn thư khiếu nại về trường hợp tham nhũng”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.