Bình Thuận lên phương án ứng phó với bão số 4
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines).
Vào hồi 13h ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc, 118,3 độ kinh đông, cách thành phố Baguio của Philippines 255km về phía tây bắc, trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía đông.
Sức gió gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh 55 km/h, giật 70 km/h, áp suất trung tâm là 996 hPa. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 45km. Gió mạnh mở rộng ra ngoài tới 200km từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam, trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Dự kiến, đến ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới áp sát miền Trung Việt Nam.
Áp thấp nhiệt đới Gener và bão Pulasan hồi 1h40 chiều 17.9.2024 theo giờ Philippines. (Ảnh: PAGASA) |
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Song song đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực bị sạt lở ven biển, vùng triều cường, nước dâng gây nguy hiểm; nhất là các khu dân cư, làng nghề truyền thống, khu du lịch ven biển để chủ động sơ tán người, khách du lịch và tài sản đến nơi an toàn.
Kiểm tra các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển để chủ động ứng phó, chằng buộc an toàn. Theo dõi, tổ chức kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải, báo cáo số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải đang hoạt động trên biển về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc bảo đảm an toàn các hồ thủy điện, thủy lợi, công trình đang xây dựng. Theo dõi tình hình mưa, lũ, lưu lượng về hồ để tổ chức vận hành đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du theo quy định. Các địa phương và các sở, ngành, đơn vị sẵn sàng phương tiện, vật tư, trang thiết bị và lực lượng xung kích để tham gia hỗ trợ ứng phó, sơ tán người dân và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Phan Thiết, các cơ quan báo chí tăng cường thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.