Bình Dương: Xử phạt gần 300 triệu đồng về an toàn thực phẩm
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa có báo cáo kết quả về “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024.
Theo đó, trong đợt cao điểm ra quân kiểm soát chặt thị trường về an toàn thực phẩm tại các điểm nóng trên địa bàn như: tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất; chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ sai phạm liên quan.
Cụ thể, lực lượng đã kiểm tra và xử phạt 13 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong đó, buộc tiêu hủy 2 trường hợp đối với các loại hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá hơn 177 triệu đồng.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” của các địa phương, đã tăng cường công tác kiểm tra các tuyến cơ sở, phát hiện và xử phạt 14 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tăng cường kiểm soát thị trường đối với hàng hóa là thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 - (Ảnh: QLTT tỉnh Bình Dương). |
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm soát chặt chẽ công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các chợ truyền thống. Qua test nhanh các sản phẩm chả lụa, chả chiên, bún tươi, bò viên, dưa muối… không phát hiện có chứa chất cấm như: hàn the, foocmon và hypochlorid…
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng thực phẩm trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức và cảnh báo để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương không ghi nhận các trường hợp xảy ra tình trạng ngộ độc vì an toàn thực phẩm.
“Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các tiểu thương đã nâng cao ý thức chấp hành kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, có hóa đơn chứng từ đúng quy định pháp luật, góp phần đẩy lùi các hành vi gian lận thương mại trên thị trường.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số ít người tiêu dùng vẫn còn lựa chọn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vì giá cả cạnh tranh. Đây cũng là một trong những yếu tố tiếp tay cho kẻ trục lợi trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm soát thị trường”, ông Dũng cho biết thêm.