Chủ nhật 11/05/2025 13:06

Bình Dương: Xây dựng phương án bảo đảm sản xuất an toàn trong trạng thái bình thường mới

Sở Công Thương Bình Dương thông tin, các doanh nghiệp (DN) thực hiện tổ chức sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới, phải là DN xanh, không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly. Các DN chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công Thương phê duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết, tháng 8/2021, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh chậm lại và giảm so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 10,9% so với tháng 7 và giảm 12,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, nếu không nhanh chóng đưa sản xuất công nghiệp vào trạng thái bình thường mới, thì chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương sẽ giảm sâu hơn nữa.

Các doanh nghiệp tại Bình Dương chỉ được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công Thương phê duyệt

Để triển khai lộ trình 3 giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của UBND Bình Dương, Sở Công Thương đã nhanh chóng yêu cầu các DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm” và các DN muốn tổ chức hoạt động trở lại tại các cụm công nghiệp (CCN) khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng phương án tổ chức bảo đảm sản xuất an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Theo Sở Công Thương Bình Dương, các DN thực hiện tổ chức sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới phải là DN xanh, không còn ca nhiễm F0, các F1 phải được cách ly và không còn bị phong tỏa. DN tổ chức sản xuất trở lại phải tiến hành sàng lọc bảo đảm an toàn Covid-19 một cách triệt để, đồng thời thực hiện theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm, 100% công nhân, người lao động tham gia thuộc “vùng xanh”. Đặc biệt, các DN chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công Thương phê duyệt.

Về lộ trình đảm bảo sản xuất an toàn trong trạng thái bình thường mới, DN sẽ nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn. Việc nâng công suất và quy mô hoạt động phải tính toán trên cơ sở khoa học, đồng bộ và bền vững, phù hợp với đặc điểm của DN và diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

Sở Công Thương đề nghị, các DN ưu tiên việc trở lại làm việc trước hết cho công nhân, người lao động sống ở “vùng xanh” hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro nhiễm bệnh cao. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế tại nhà máy, nơi làm việc, nơi ở…

Bên cạnh đó, DN tự xét nghiệm sàng lọc hoặc thuê đơn vị dịch vụ để kiểm soát đầu vào, bảo đảm 100% công nhân, người lao động qua xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19, được tiêm vắc xin ngừa Covid mũi 1 sau 14 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi. Trong quá trình sản xuất thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần, có thể thực hiện mẫu gộp hoặc mẫu đơn tùy thuộc kết quả xét nghiệm thực tế cho những đối tượng nguy cơ cao, với mục tiêu là 20% tổng lao động. Báo cáo kết quả xét nghiệm cho Sở Công Thương, chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, DN chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền, khu vực nơi có F0, F1, không phải dừng toàn bộ nhà máy. DN phải bố trí khu vực cách ly F0 tại nhà máy bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, có đội ngũ chăm sóc y tế, có tủ thuốc bảo đảm cơ số để phục vụ công tác điều trị ban đầu, khuyến khích các DN thực hiện tự cách ly, điều trị F0 nhẹ… Đồng thời, tăng cường hoạt động và phát huy vai trò chủ đạo của Tổ an toàn Covid trong DN.

Thực hiện thí điểm việc sắp xếp lại nơi ở, nhà trọ của công nhân đang làm việc trong DN theo hướng toàn bộ công nhân trong một DN sẽ được sắp xếp ở tập trung trong một hoặc một số khu nhà trọ xanh, để DN đủ điều kiện tổ chức sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”. Tuân thủ quy định về giãn cách tại nơi cư trú.

Ngoài ra, DN phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy theo quy định. Đồng thời xét nghiệm hàng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, đơn vị cung cấp suất ăn...

Đối với mô hình “3 xanh” (cơ sở sản xuất xanh, người tham gia sản xuất xanh và nơi cư trú xanh), Sở Công Thương yêu cầu chủ đầu tư cụm công nghiệp và các DN trong CCN phải thực hiện quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động của DN. Thông tin về người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hàng ngày, đo thân nhiệt, khai báo y tế bắt buộc khi đến làm việc. DN phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Bình Dương

Tin cùng chuyên mục

Ngành chế biến chế tạo Đắk Nông: Động lực tăng trưởng kinh tế

Ẩm thực Hải Phòng: Hòa quyện bản sắc và giao thoa văn hóa

Hải Phòng: Ấm lòng ‘Bữa cơm đoàn kết’ mừng 70 năm giải phóng

Thống nhất việc hợp nhất Công an tỉnh Hưng Yên và Thái Bình

Lịch cúp điện Tiền Giang mới nhất, từ ngày 11 - 13/5

Điện Biên: Nỗ lực bảo đảm điện mùa nắng nóng

Quảng Nam: Loạt doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào công nghiệp dược liệu

Hải Phòng: Tổng duyệt diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố

Phát triển công nghiệp dược liệu không phải việc của một địa phương

Vĩnh Phúc: Thu ngân sách vượt mốc 11.600 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng

Lập Tổ công tác nghiên cứu ý tưởng lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng

Sầu riêng mất giá, nhà vườn miền Tây ngóng giải pháp

Cơn bão giá vật liệu xây dựng đang càn quét Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Phát động phong trào thi đua 'Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Bình dân học vụ số'

TP. Hồ Chí Minh phát triển thêm 14 khu công nghiệp mới

70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng: Thành tựu và khát vọng vươn mình

Đà Nẵng 'bắt tay' Vingroup thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Hải Phòng: Tưng bừng hợp luyện duyệt đội ngũ và diễu hành

Quảng Bình: Phát động phong trào “Bình dân học vụ số”

Trí tuệ nhân tạo: Động lực mới phát triển Đà Nẵng