Bình Dương: Dưa lưới An Bình “cất cánh” sang thị trường Nhật Bản
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại
Xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương là một trong những vùng đất giáp ranh với tỉnh Bình Phước, có diện tích tự nhiên hơn 6.000 ha với hơn 4.500 hộ dân sinh sống. Đây cũng là mảnh đất có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ nơi khác về đây lập nghiệp. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm dân số đông nhất, sinh sống tập trung ở ấp Nước Vàng và ấp Tân Thịnh. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như: Cây cao su, cây tiêu, cây điều và các loại cây hoa màu ngắn ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương, nhận thấy giá mủ cao su thấp nên hiệu quả kinh tế từ việc canh tác cây cao su không cao, người nông dân đã thu hẹp diện tích trồng cây cao su và mạnh dạn chuyển đổi trồng thử nghiệm dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ tự động hóa hiện đại. Dưa lưới đầu tiên được trồng trên vùng đất xã An Bình đã cho những mùa bội thu và có giá trị kinh tế cao.
Dưa lưới là một trong những cây trồng rất khó tính, rất mẫn cảm với côn trùng gây hại. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu đòi hỏi phải chăm sóc rất tỉ mỉ để trái dưa đạt chất lượng. |
“Tiếng lành đồn xa”, từ các xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long thời kỳ mới thành lập có cuộc sống khá lên nhờ trồng dưa lưới, bà con trong vùng đã tìm đến tham quan học hỏi.
Đến nay, mô hình này đã nhân rộng bao phủ 12/12 ấp với 240 hộ nông dân, tổng diện tích hơn 50 ha trồng dưa lưới trên toàn xã An Bình. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều gia đình sản xuất nông nghiệp đơn thuần và nguồn thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày thì đến nay đã vươn lên hộ khá giả trong vùng.
Trong số các hộ gia đình vượt khó đi lên, có gia đình anh Ngưu Sô (người đồng bào Khmer ở ấp Tân Thịnh), bình quân mỗi mùa vụ cho sản lượng hơn 4 tấn dưa lưới, ước tính thu nhập hơn 80 triệu đồng/vụ.
“Thấy cả ấp đua nhau đầu tư trồng dưa lưới, nhà nào cũng có thu nhập tốt nên gia đình tôi học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư trồng. Với việc đầu tư xây dựng nhà màng kín và các hệ thống cảm biến hẹn giờ để theo dõi quá trình phát triển của cây dưa, nên ban ngày chúng tôi đi làm công ty, chiều tối đi làm về chúng tôi tranh thủ vào vườn dưa để chăm sóc. Nhờ trồng thêm vườn dưa lưới, chất lượng cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện, không còn chật vật như trước đây nữa”, Anh Ngưu Sô mừng vui, chia sẻ.
Mô hình trồng dưa lưới ở xã An Bình đang được bà con nông dân học hỏi nhau để phát triển kinh tế. Trong ảnh: Anh Ngưu Sô (đồng bào Khmer) bên vườn dưa lưới của gia đình. |
Ông Trần Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội nông dân xã An Bình, cho biết: “Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng công nghệ hiện đại, chúng tôi luôn khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa lưới công nghệ cao. Địa phương luôn duy trì và đảm bảo nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ bà con được vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp với chính sách ưu đãi, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con sản xuất dưa lưới đúng quy trình VietGap.”
Tuy nhiên, nguồn cung thì dồi dào, nhưng thị trường đầu ra cho trái cây dưa lưới ở vùng đất An Bình vẫn chưa được ổn định. Thương lái nhỏ lẻ tự tìm về thu mua, vì không ký hợp đồng mua bán bằng văn bản nên giá cả rất thất thường.
Chủ động tìm nguồn xuất khẩu
Xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả dưa lưới tươi phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và nhu cầu thị trường xuất khẩu, nhiều hộ nông dân trồng dưa lưới ở xã An Bình đã tự nguyện liên kết với nhau thành tổ chức kinh tế tập thể nhằm chủ động nhiều phương án sản xuất, kinh doanh.
Điển hình ở địa phương có Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, từ ban đầu có 7 xã viên với diện tích 2 ha, đến nay, hợp tác xã này đã mở rộng liên kết được khoảng 73 xã viên với diện tích hơn 20 ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật theo công nghệ hiện đại, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Kim Long đã có chỗ đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Vườn dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) chuẩn bị thu hoạch, phục vụ nhu cầu thị trường Nhật Bản. |
Niềm vui lớn nhất của bà con xã viên tại đây là sản phẩm dưa lưới của họ đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ quý 3/2023.
Theo đó, một số đối tác Nhật Bản đã trực tiếp ký hợp đồng với Hợp tác xã Kim Long để tiêu thụ khoảng 400 tấn dưa lưới/năm. Hiện nay, Hợp tác xã này đã đưa 100 tấn dưa lưới sang thị trường Nhật Bản thành công với giá cả ổn định, sản phẩm đạt yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: “Dưa lưới là một trong những loại cây trồng khó tính, rất mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại nên việc chăm sóc cây rất tỉ mỉ. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu dưa lưới sang thị trường khó tính như Nhật Bản thì đòi hỏi sản phẩm đạt năng suất, chất lượng và tuyệt đối đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhằm ổn định thị trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết, hợp tác xã đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa lưới và chịu trách nhiệm trong thực hiện quy trình sản xuất dưa lưới của bà con”.
Bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết, hiện nay địa phương luôn quan tâm và chú trọng đến công tác triển khai các ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mã vùng trồng trên địa bàn nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương.