Biến đổi khí hậu thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Tại tọa đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững”, tổ chức chiều 11/7 bởi LifeNex và PDA & Partners, với sự tư vấn - đồng hành từ Báo Tài nguyên & Môi trường, Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cùng các đối tác liên quan, các chuyên gia và diễn giả tham dự đã nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách của việc vận hành bền vững vào môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia và diễn giả thảo luận tại tọa đàm. |
Cụ thể, theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, hiện các doanh nghiệp đã nắm tương đối rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ngoài ra, đã có nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.
Tuy vậy điều quan trọng lúc này, các doanh nghiệp đã quan tâm thật sự và sẵn sàng hành động để phát triển bền vững chưa? Theo Viện trưởng, mỗi doanh nghiệp cần có cái nhìn rộng hơn và có tầm nhìn dài hạn hơn, chủ động hơn trong tư duy và hành động trong phát triển bền vững.
Thực tế, nắm bắt các quy định hỗ trợ chuyển đổi công nghệcủa Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi xanh.
Đơn cử như trong lĩnh vực tái chế nhựa, Công ty CP tái chế nhựa Duy Tân là một điển hình. Ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững Công ty CP tái chế nhựa Duy Tân - chia sẻ rằng, nhà máy tái chế nhựa của công ty này đã đạt tiêu chuẩn "3 không" trong quá trình sản xuất, đó là không rác thải, không khí thải và không nước thải.
Cụ thể, năm 2023, nhà máy đã tái chế được 2,3 tỷ chai nhựa. Theo ông Lê Anh, năm 2024, dự kiến doanh nghiệp này sẽ tái chế 5 tỷ chai nhựa và đang hành trình hướng tới nhà máy tái chế có quy mô tầm cỡ thế giới.
Tại Việt Nam, theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở nhiều mặt: giảm đa dạng sinh học rừng, nước biển dâng làm mất đi nguồn đất màu mỡ cho nông nghiệp là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hạn hán làm hoang mạc hoá nhiều khu vực ở miềng Trung; tác động của biến đổi khí hậu còn tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, xã hội, kinh tế kém phát triển và nghèo đói…
Chính vì vậy, các diễn giả và doanh nghiệp cùng nhấn mạnh rằng: hành động của chúng ta hôm nay nhằm gìn giữ môi trường, giảm phát thải, phát triển kinh tế tích cực với thiên nhiên sẽ quyết định đến tương lai bền vững của Việt Nam.