Bế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 nghị quyết về tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, viện kiểm sát.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn |
Cụ thể là Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập đơn vị cấp phòng tại Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Nghị quyết thành lập Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn 12, Viện kiểm sát quân sự khu vực Quân đoàn 12; Nghị quyết giao bổ sung số lượng kiểm sát viên của Viện kiểm sát quân sự.
Đồng thời, xem xét, thông qua 2 nghị quyết quy định các nội dung về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các tờ trình và báo cáo thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật các dự thảo nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Cũng trong thời gian diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương và công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát; tiến hành đánh giá, tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và 6/2024 theo thông lệ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẩn trương ban hành các thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến từng nội dung để các cơ quan liên quan có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, từ nay đến hết quý III/2024, khối lượng công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn. Theo chương trình công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 phiên họp, gồm 1 phiên họp trong tháng 7 (dự kiến ngày 22-23/7); 1 phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 và 2 phiên họp thường kỳ tháng 8, tháng 9.
Cùng với đó là tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và nghiên cứu, chuẩn bị tổ chức Diễn đàn về hoạt động giám sát.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan lưu ý bám sát chương trình, kế hoạch, tổ chức công việc khoa học, hợp lý; tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao độ để bảo đảm tiến độ, chất lượng các hoạt động.
"Căn cứ dự kiến chương trình các phiên họp tháng 7, tháng 8, tháng 9, đề nghị Chính phủ khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội bảo đảm thời gian theo quy định, không để chậm, muộn, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra, cho ý kiến; hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung nội dung ngay sát phiên họp" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, nắm thông tin tiến độ chuẩn bị; nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến khi Chính phủ gửi hồ sơ, tài liệu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.