Bắt đầu quy trình nhân sự chủ chốt Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ
Điều hành nội dung đầu tiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình Quốc hội xem xét việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Cụ thể, tờ trình ngày 29/3/2021 của Ủy ban (UB) Thường vụ Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội và tại kỳ họp thứ 9 được tín nhiệm bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, bà Ngân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp |
Nay, do yêu cầu bố trí sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước sau Đại hội Đảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cán bộ, căn cứ Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội, luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, căn cứ Nội quy kỳ họp Quốc hội, ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Các đại biểu Quốc hội sẽ trở về các đoàn thảo luận về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân. Kết quả thảo luận tại đoàn sẽ được Ủy banThường vụ Quốc hội tập hợp và có báo cáo giải trình, tiếp thu cụ thể. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố ngay sau giờ nghỉ giữa buổi chiều. Sau đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân năm nay 67 tuổi (sinh ngày 12/4/1954), quê quán tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá 9 đến 12; Ủy viên Bộ Chính trị 2 khóa 11, 12; Bí thư Trung ương Đảng khóa 11.
Bà Ngân được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần đầu vào năm 2001, khi 47 tuổi; vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị lần đầu năm 2011, khi 57 tuổi. Bà là đại biểu Quốc hội từ khóa 12 đến khóa 14. Bà vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1981, khi 27 tuổi.
Bà đã kinh qua nhiều chức vụ như: Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Năm 2011, bà được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình Quốc hội xem xét việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội |
Ngày 31/3/2016, bà được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khoá 14. Bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức.
Khi nhậm chức, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ, trên cương vị là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, bà sẽ cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tất cả các đại biểu Quốc hội Khóa XIV phát huy truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, thực hiện có hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bà cũng hứa sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội “để Quốc hội ta thật sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 30/3 |
Thực tế nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.
"Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội chúng ta chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, Nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội thời gian qua" - Chủ tịch Quốc hội nói tại phiên khai mạc kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIV ít ngày trước.
Trong các ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Sau khi có kết quả bầu cử các chức danh nói trên, tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri, đồng bào. Dự kiến sáng 31/3, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức. Sáng 5/4, tân Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức. |