Về phía Mỹ, chính quyền Trump cũng sẵn sàng áp đặt 25% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc leo thang tranh chấp thương mại khi khiếu nại Bắc Kinh đánh cắp hoặc gây áp lực cho các công ty phải chuyển giao công nghệ. Trung Quốc đã công bố danh sách 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ sẽ là mục tiêu bị trả đũa, đúng như thông báo của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/9 cho biết, Trung Quốc sẽ phải thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết nếu phía Mỹ bất chấp sự phản đối của phần lớn doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp thuế quan mới.
Cuộc chiến thương mại mà Trump khởi xướng nhằm trừng phạt Bắc Kinh về những gì mà Mỹ cho là “chiến thuật săn mồi” của Trung Quốc, nhằm cố gắng thay thế sức mạnh công nghệ của Mỹ. Những động thái mà USTR cáo buộc bao gồm ăn cắp bí mật thương mại thông qua hack máy tính và buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để đổi lấy tiếp cận thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ áp lực của Mỹ và đàm phán giữa hai nước bị đình trệ. Vì vậy, Mỹ đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã trả đũa với mức thuế vào 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Trump cũng đã biện minh việc áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc rằng, Mỹ đang đối mặt với thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Einar Tangen - chuyên gia kinh tế và là cố vấn kinh tế cho chính phủ Trung Quốc - cho biết, không đơn giản như Trump nghĩ, có hơn 350 tỷ USD hàng hóa một năm được bán ở Trung Quốc cũng như được sản xuất ở Trung Quốc bởi các doanh nghiệp Mỹ. Đó cũng là mối đe dọa. Trong khi Trung Quốc chỉ có trị giá khoảng 10 tỷ USD hàng hóa sản xuất ở Mỹ và bán ở Mỹ. Khi xem xét lại vấn đề thì mới có thương mại công bằng. Khi cuộc chiến thương mại leo thang, một số nhà xuất khẩu Trung Quốc tiết lộ, các đơn đặt hàng của Mỹ đã giảm, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng tác động kinh tế sẽ rất khiêm tốn. Mỹ chỉ mua khoảng 20% xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng thương mại đã bị thu hẹp trong thập kỷ qua như là một phần của nền kinh tế Trung Quốc. Bởi vậy, trong phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/9, họ “tự tin, có khả năng và có thể duy trì sự phát triển ổn định và lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc”.
Chuyên gia phân tích của S&P Global Ratings cho hay, “sự leo thang của cuộc chiến thuế quan có thể bắt đầu cắt đứt hoặc làm gián đoạn chuỗi cung ứng, mang lại hiệu quả sản xuất giảm, chi phí cao hơn và mất khả năng cạnh tranh, cuối cùng dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng thấp hơn cho cả hai nước”.
Các chuyên gia cũng cảnh báo một cuộc chiến thương mại toàn diện đến năm 2021 có thể làm giảm sản lượng kinh tế hàng năm của Mỹ bằng trung bình 1/3 điểm phần trăm và Trung Quốc bằng 1/12 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2021. Cuộc chiến thương mại có thể gây thêm thiệt hại nếu nó làm rung chuyển thị trường tài chính, qua đó làm tổn thương niềm tin kinh doanh và có khả năng làm nản lòng nhà đầu tư.