Bảo vệ rừng ở Gia Lai còn nhiều bất cập
Toàn tỉnh Gia Lai có trên 730 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó, hơn 600 nghìn ha đất có rừng.
Khi quan sát bản đồ quy hoạch Lô 4, Khoảnh 4, Tiểu khu 989, Lâm phần do UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) quản lý là rừng nghèo nhưng kiểm tra thực tế, khoảng 3 ha rừng tại đây đã bị quây kín bằng gỗ và dây kẽm. Nhìn vào bên trong khu vực này là hơn 1 ha điều 2 năm tuổi đang phát triển xanh tốt. Quan sát kĩ sẽ lộ ra một số điểm còn dấu vết tro từ việc đốt cây rừng còn khá rõ ràng.
Tiểu khu 993 (Lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý) bị tàn phá nghiêm trọng |
Tương tự, tại các tiểu khu 990 (cũng thuộc Lâm phần do UBND xã Ia Mơr quản lý) và các tiểu khu 991, 993 (Lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý), tình trạng phát, đốt, xâm lấn rừng làm nương rẫy diễn ra tương đối nhiều hơn, diện tích cây cối ở nhiều lô, khoảnh bị phá sạch.
Theo một số nhân viên bảo vệ rừng cho hay, cách thức phổ biến là chặt tỉa cây rừng theo từng đợt, khi rừng đã thưa và cây lớn bị xoá sổ, người dân sẽ chuyển sang phát những cây nhỏ, bụi, chờ khô thì đốt để trồng cây.
“Nhìn thấy người đi tuần là họ (người dân xâm lấn rừng - PV) bỏ chạy hết. Làm thì họ đã căn hết đường rồi. Minh canh họ, họ lại canh mình, khó lắm. Tuần tra nhiều lúc vất vả chuyện đó. Rõ ràng lúc đi tuàn tra không thấy gì, hôm sau vào đã thấy trồng rồi, làm lúc nào không hay biết luôn.” - Anh Sa Văn Điều, Nhân viên bảo vệ rừng của UBND xã Ia Mơr, tỉnh Gia Lai cho biết.
Đáng quan ngại hơn nữa, tình trạng phá rừng còn diễn ra ở những cánh rừng phòng hộ. Điển hình như tại huyện Chư Sê, chỉ từ 9/2021 đến đầu tháng 7/2022, hơn 34 ha rừng phòng hộ tại 15 lô, thuộc 4 khoảnh, ở các tiểu khu 1064 và 1064 (lâm phần do UBND xã H’Bông quản lý) đã bị lâm tặc cày ủi, san phẳng để lấn chiếm đất trồng bạch đàn, nhưng chủ rừng không hề hay biết. Vụ phá rừng phòng hộ này đã được công an huyện Chư Sê khởi tố vụ án, nhưng chưa có bị can nào bị xử lý.
Theo Ông Thái Thượng Hải- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê cho biết, trên địa bàn huyện Chư Sê, diện tích rừng do xã H’bông quản lý bị chia cắt, muốn kiểm tra khu vực đó thì phải đi xuống huyện Phú Thiện, rồi qua huyện Ia Pa để vào rừng nơi mình quản lý.
“Những điều kiện về nhân lực và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng nên rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.” – Ông Hải nhấn mạnh.
Tiểu khu 989, Lâm phần do UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) quản lý là rừng nghèo, nhưng đã bị quây kín bằng gỗ và dây kẽm |
Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, trong 5 năm (Giai đoạn từ 2017-2021), lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 2.940 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tính riêng từ đầu năm 2022 tới nay, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 290 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó 29 vụ bị xử lý hình sự, 158 vụ bị xử lý vi phạm hành chính, những vụ việc còn lại đang được làm rõ.
Số vụ vi phạm lâm luật có chiều hướng năm sau giảm so với năm trước, nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn tiếp diễn và khó ngăn chặn triệt để. Riêng trong tháng 11/2022, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ, liên quan sai phạm để mất 9.000 ha rừng trong giai đoạn 2011-2029. Đồng thời, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị khởi tố vụ án liên quan sai phạm làm mất 2.000 ha rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Krông Chro) từ 2010 tới nay.
Đặc điểm chung của cả 2 địa phương nói trên để xảy ra tình trạng hàng nghìn ha rừng bị mất, chính là sự thiếu trách nhiệm của chủ rừng.
Ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, thực tế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp hữu hiệu và toàn diện như đẩy nhanh công tác giao đất-giao rừng; nâng cao hiệu quả quản lý-bảo vệ rừng của các chủ rừng; cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên bảo vệ và lực lượng chức năng. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh tay, nghiêm minh, nhanh chóng đối với tập thể, các nhân có hành vi vi phạm lâm luật và nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị về quản lý, bảo vệ rừng.
“Giờ lực lượng đông cũng không xuể được, chỉ có cách là các ngành chức năng, các cấp các ngành tuyên truyền sâu rộng người dân năm, biết tác dụng của rừng, để người ta có trách nhiệm bảo vệ rừng. Cái này không phải 1 sớm, 1 chiều.” – Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nói.
Tỉnh Gia Lai xác định “Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu" là 1 trong 4 chương trình trọng tâm để góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để làm được điều này, điều tiên quyết cần làm trước tiên là phải bảo vệ và bảo toàn rừng.