Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong phát triển thương mại điện tử
- Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho rằng, trong giai đoạn toàn cầu hóa, thông tin được xem như là huyết mạch của các DN và các quốc gia. Việc có nguồn thông tin chính xác và kịp thời sẽ giúp DN triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt. Do đó, việc đảm bảo thông tin được trao đổi liên tục trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế là hết sức quan trọng để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Cũng theo ông Linh, thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là Internet, các giao dịch thương mại điện tử tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến thông tin cá nhân cũng ngày một nhiều hơn, gây tâm lý e ngại cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Đánh giá về bảo vệ thông tin cá nhân, bà Lại Việt Anh- Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử điều 46 ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng cũng như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hay thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình tiếp cận, kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bà Daniele Chatelois, Chủ tịch nhóm Bảo vệ dữ liệu cá nhân APEC cho biết, xác định được tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân trong việc phát triển thương mại điện tử toàn cầu, các Bộ trưởng APEC đã phê chuẩn nhiều văn bản hướng dẫn, điều chỉnh vấn đề này. Nổi bật là "Những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử của APEC" và "Chương trình Người tìm đường cho vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong APEC" năm 2007. Trong đó, "Hệ thống các quy tắc trong trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới" được xác định là vấn đề cốt lõi tối đa lợi ích của công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, vai trò của các tổ chức gắn nhãn uy tín cũng được khẳng là công cụ đặc biệt hữu hiệu trong cơ chế thiết lập, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Hiện Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet) thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng có Hệ thống xây dựng uy tín trong giao dịch thương mại điện tử SafeWeb với mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thương mại điện tử Việt Nam. SafeWeb sẽ giúp đánh giá uy tín các website đặc biệt là các website thương mại điện tử có thu thập thông tin cá nhân và tiến hành kinh doanh trực tuyến. Vì là thương hiệu trên môi trường Internet, nên các DN phải đạt được các tiêu chí đánh giá theo thông lệ quốc tế như: sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh, có uy tín với khách hàng, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành.
Lan Anh