Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn thực hiện chi trả lương hưu bằng tiền mặt cho người có nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nhằm đảm bảo chi trả chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia và thụ hưởng chính sách, song song với việc chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng, cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt đối với người hưởng có nhu cầu.
Triển khai các hình thức chi trả lương hưu nhằm thực hiện quan điểm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam |
Đặc biệt, tại Hợp đồng ủy quyền chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng qua hệ thống bưu điện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã quy định đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng là người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật mà không có khả năng đi đến điểm chi trả để nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả miễn phí tận nơi cư trú cho người hưởng. Hình thức chi trả trong trường hợp đặc biệt này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực trong việc tạo thuận lợi tối đa giúp người thụ hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội 2014, thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cực tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân và triển khai hiệu quả đa dạng các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội linh hoạt, phù hợp theo nhu cầu của người thụ hưởng.
Cụ thể, người hưởng có quyền lựa chọn hình thức nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau: Một là, trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền; Hai là, thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng; Ba là, thông qua người sử dụng lao động.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu đem lại những gì tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến những lợi ích của việc nhận chế độ qua tài khoản với tinh thần để người tham gia, thụ hưởng tự nguyện tham gia.
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, việc triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt là đúng chủ trương của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ và có nhiều ưu điểm, tiện ích như: giúp người hưởng không phải tập trung nhận tiền và ký danh sách chi trả tại các điểm chi trả nên tiết kiệm được thời gian và công sức đi lại; đảm bảo người hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội được đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định...
Chưa kể, hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại rộng khắp, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp nhiều tiện ích, tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ khách hàng trong giao dịch như: Rút tiền mặt, tra cứu số dư, chuyển tiền, nộp tiền, thanh toán hóa đơn... nên người hưởng gặp rất nhiều thuận lợi.
Ngoài ra, hình thức chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, góp phần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người hưởng và góp phần vào công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế - xã hội đất nước.
4 tháng 2024, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết: 20.902 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hadng tháng, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó hưu trí là 13.943 người, tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023).
Về giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm y tế, tính đến hết tháng 4/2024, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện giám định, thanh toán 57,552 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng trên 3,07 triệu lượt khám chữa bệnh so với cùng kỳ năm 2023). Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là gần 42.497 tỷ đồng (số liệu chưa bao gồm số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của khối lực lượng vũ trang).
Trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Tại các địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội đã chủ động phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh để giải quyết các vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không ngừng cải cách hành chính mạnh mẽ: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ 114 thủ tục (năm 2015) xuống chỉ còn 25 thủ tục, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ... Đến hết năm 2023, cả nước đã có khoảng 64% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị |