Chủ nhật 04/05/2025 17:45

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - Một phần tư thế kỷ góp phần sự nghiệp an sinh

Trải qua 25 năm thành lập, hệ thống Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ.    

Ngày 16/2/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống lao động, thương binh, xã hội và Liên đoàn Lao động. Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta.

BHXH Việt Nam đang tập trung phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới sự hài lòng của tất cả người tham gia BHXH, BHYT

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước đã đặt quyết tâm phát triển hệ thống an sinh xã hội bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế. Từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị- xã hội, phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Bùi Sỹ Lợi - cấu trúc hệ thống an sinh xã hội ngày càng được củng cố với 4 phần gồm: Chính sách phòng ngừa (đào tạo, dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo…); chính sách giảm thiểu, bù đắp rủi ro (BHXH, BHYT); chính sách khắc phục rủi ro (trợ cấp đột xuất và trợ cấp thường xuyên) và cuối cùng là việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông…). Trong 4 phần đó thì chính sách BHXH, BHYT là trụ cột cơ bản, quyết định nhất của hệ thống an sinh xã hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định: BHXH Việt Nam được Đảng và Nhà nước giao cho thực hiện cả 2 chính sách này, đây là một trọng trách rất lớn. Với chặng đường 25 năm, ngành BHXH đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu lớn như: Số người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), dẫn dầu về ứng dụng CNTT… Qua các cuộc khảo sát, niềm tin, sự hài lòng của người từng bước được cải thiện, tăng cao.

Trong suốt chiều dài phát triển 25 năm qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Đào Việt Ánh - cũng đã nhấn mạnh, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Đặc biệt, BHXH Việt Nam không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi các nội dung để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.

Thành quả đạt được thể hiện qua diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng, nếu như năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia thì đến tháng 8/2019 là 14,65 triệu người (tăng khoảng 5,7 lần). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, có 6,11 nghìn người tham gia thì đến tháng 8/2019 con số này 437 nghìn người (tăng 70 lần). Số người tham gia BH thất nghiệp cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 12,9 triệu người ở thời điểm tháng 8/2019.

Đặc biệt, đến tháng 9/2019, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,2 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, tăng 68,8 triệu người so với năm 2003 (năm mà chức năng thực hiện chính sách BHYT chuyển sang cho BHXH Việt Nam). Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian, năm 2018 tổng số thu toàn ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995.

Qua 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BH thất nghiệp, đã có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003-2018, ngành BHXH, ngành y tế đã phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí KCB BHYT.

Đáng chú ý, trong khoảng 10 năm gần đây, ngành BHXH luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm… BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017). Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Triển khai cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Cũng trong bảng xếp hạng này năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT ở Việt Nam hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, chính sách BHXH vẫn chưa đồng bộ với các chính sách khác như bảo trợ xã hội, chính sách giảm nghèo, chính sách việc làm; chính sách BHXH cho khu vực vực phi chính thức mới chỉ hạn chế ở hai chế độ hưu trí và tử tuất. Lĩnh vực BHYT chưa thực hiện được đa dạng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội; chưa điều chỉnh các mức đóng, mức hưởng phù hợp với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao…

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; xu hướng rủi ro kinh tế, xã hội ngày càng ảnh hưởng rộng. Xu hướng già hóa dân số tăng nhanh; phân hóa xã hội ngày càng tăng, xu hướng di cư tự do ngày càng lớn cũng đặt ra không ít thách thức cho hệ thống an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng...

Thời gian tới, theo ông Đào Việt Ánh, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhằm tiến tới thực hiện BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân, Ngành BHXH sẽ gặp không ít thách thức. "Với truyền thống 25 năm xây dựng và trưởng thành của ngành, BHXH Việt Nam sẽ tận dụng mọi cơ hội cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các bộ, ban ngành; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc của toàn thể đội ngũ cán bộ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đưa ngành BHXH Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới sự hài lòng của tất cả người tham gia BHXH, BHYT" - ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

HDBank lãi 5.350 tỷ, khởi động mô hình tập đoàn tài chính

KienlongBank ghi nhận kết quả quý I/2025 ấn tượng

Chào mừng 50 năm Thống nhất đất nước, Vietcombank hoàn 50% vé Metro tới 450.000 VND

Cổ đông VPBank thông qua kế hoạch lợi nhuận tỷ đô

Việt Nam trước ‘ngã rẽ’ tài sản số, tín chỉ carbon

Kết quả kinh doanh OCB quý I/2025 giữ đà tăng trưởng tốt

Lãi suất huy động tăng trở lại, kỳ hạn ngắn sát “trần”

Tài sản số, tín chỉ carbon: 'Mảnh ghép' mới cho tài sản bảo đảm?

Tăng tín dụng của nhiều ngân hàng cao hơn toàn hệ thống

Ba trường hợp sẽ bị tạm dừng lương hưu từ 1/7/2025

SeABank tăng 173 bậc trong bảng xếp hạng FAST500

VIB: Lợi nhuận quý 1/2025 đạt hơn 2.400 tỷ đồng, CASA tăng 17%, thực hiện chia cổ tức 21%

Hải quan thành lập tổ kiểm tra công vụ đột xuất

Rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu

Đại hội cổ đông 2025: LPBank xác định tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên số

TPBank – Uy tín vững chắc như 'vàng ròng' giữa biến động thị trường

Vì sao SHB ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất về mức độ hài lòng của khách hàng?

Agribank trao giải chương trình tiết kiệm dự thưởng 'Xuân tích lũy - Quỹ đong đầy'

VietinBank Securities thăng hạng trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Agribank – Điểm tựa vững vàng cho kinh tế tư nhân bứt phá