“Ngồi mát ăn bát vàng”
Câu thành ngữ không thể đúng hơn khi nói về một số trang mạng xã hội chuyên “nấu cháo trên lưng người làm báo”, trắng trợn ăn cắp tài nguyên của các cơ quan báo chí.
Thay vì phải bỏ ra thời gian và công sức, những người làm việc cho các tổ chức, cá nhân sở hữu các trang mạng xã hội này hằng ngày chỉ ngồi tổng hợp tin tức từ các cơ quan báo chí chính thống, rồi “vợt” lại, cắt cúp hình ảnh, logo và đăng tải lên trang. Nhiều khi nhóm này còn thêm mắm, thêm muối, xào nấu thông tin với những ngôn từ tục tĩu, xỉa xói không thể chấp nhận để câu view, câu like, để dẫn dắt dư luận, mục đích cuối cùng nhằm trục lợi.
Theanh28 Entertainment sử dụng hình ảnh, nội dung từ Báo VNExpress và đóng logo Theanh28 News. |
Có thể chỉ ra một số cái tên nổi cộm trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, Youtube… như hệ thống các trang, nhóm của “ông vua không ngai” Thế anh 28, Không sợ chó, Chửi thuê, Hà Nội News, Khóc thuê…
Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, vào 21 giờ 06 phút ngày 8/7/2023, trên trang Theanh28 Entertainment đăng tải bài viết về Lê Văn Luyện với tiêu đề “Cả đời trả nợ thay con”.
Dưới bài viết là video, hình ảnh nguồn từ Truyền hình Quốc hội, còn nội dung “xào nấu” từ Báo Dân Việt nhưng không có đường link kèm theo. Một điểm đáng chú ý nữa là dòng chữ ghi nguồn từ 2 cơ quan báo chí trên video rất nhỏ, khó nhìn, còn logo Theanh28 News thì rất lớn nổi bật với gam màu vàng trắng.
Ở một bài đăng khác vào ngày 16 giờ 45 phút ngày 6/7 với tiêu đề “Con nhà người ta đây này”, Theanh28 Entertainment đã sử dụng hình ảnh, nội dung từ Báo VNExpress và đóng logo Theanh28 News. Tương tự, logo của Báo VNExpress trên video được để chữ trắng, rất nhỏ và khó quan sát.
Mới đây, tại một quán cơm bình dân ở ngõ 4 Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội bị tố “chém” 160 nghìn đồng/suất cơm bình dân. Lúc 16 giờ 45 phút, trên trang “Không sợ chó” đã “vợt” nội dung về sự việc này trên Báo Tuổi trẻ nhưng không gắn link gốc bài báo kèm theo. Dưới bài viết là hình ảnh được cắt cúp, chế chẩm không thể hiện nguồn từ đâu và đóng logo “Không sợ chó” rất lớn ở góc trái màn hình.
Trang "Không sợ chó" lấy bài từ Báo Tuổi trẻ nhưng không gắn kèm link gốc. |
Không riêng gì sự việc này, trên trang “Không sợ chó” còn thường xuyên sử dụng hình ảnh, tài nguyên của các cơ quan báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, VTC News… nhưng không hề dẫn link gốc kèm theo bài.
Trước đó, ngày 17/4, trên Báo Dân trí có bài “Khu tập thể tồi tàn, "khát" ánh sáng mặt trời nằm ngay cạnh Hồ Gươm”. Đây là bài viết nhóm phóng viên Báo Dân trí đã rất kỳ công và nhận được sự quan tâm lớn từ độc giả.
Cùng ngày, Fanpage lớn...đã "ăn cắp" toàn bộ ảnh trong bài viết nêu trên, nhưng cắt cúp hết logo của Báo Dân trí. Báo Dân trí cho biết Fanpage này đã "cải biên" để thu hút người dùng mạng xã hội, cuối bài chỉ ghi: "Nguồn tham khảo: Dân trí", mà không dẫn đường link của báo.
Trong bài “Bức xúc loạt trang tin, mạng xã hội "ăn cắp" thông tin báo chí”, Báo Dân trí cho biết, các phóng viên của báo đã phản hồi ngay dưới bài viết, yêu cầu Fanpage tôn trọng bản quyền báo chí. Sau đó, trang Fanpage này đã âm thầm chỉnh sửa, "trả lại" logo cho báo.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Hồng Nhung, Giám đốc điều hành Trung tâm Truyền thông thuộc Hội Chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho biết, việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến. “Tại một hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cách đây mấy năm, đại diện một số cơ quan báo chí cho biết đã bị lấy nguyên văn từ 8.000 đến 16.000 tác phẩm báo chí”, bà Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ.
Bà Nguyễn Hồng Nhung cho biết thêm, hiện nay, rất nhiều Fanpage của các cá nhân, tổ chức trên nền tảng mạng xã hội Facebook hay các kênh trên Tiktok nở rộ và phát triển như vũ bão. Nhiều tổ chức, cá nhân, người sáng tạo nội dung không chỉ “ăn cắp” tài nguyên của các cơ quan báo chí, xâm hại công sức, thành quả lao động của người làm báo, mà họ còn đăng tải những nội dung xấu, độc, thiếu chuẩn mực xã hội, với mục đích tăng tương tác, câu view từ người dùng. Bản chất của việc tăng tương tác đối với độc giả sẽ khiến kênh đó nổi tiếng để có lượng booking quảng cáo nhiều hơn, tiền thu về nhiều hơn. Đó mới là mục đích chính của họ.
Vấn nạn thời bùng nổ các nền tảng mạng xã hội
Tình trạng sao chép, đánh cắp bản quyền trong lĩnh vực báo chí theo ý đồ riêng ngày càng phổ biến, tràn lan và tinh vi. Đây có thể coi là vấn nạn trong thời đại "bùng nổ" của các nền tảng mạng xã hội, gây thiệt lại lớn cho các cơ quan báo chí, như giảm nguồn thu, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, xâm hại công sức, thành quả lao động của người làm báo.
Vấn nạn này cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra tại Quyết định số 1418/QĐ-BTTT ngày 22/7/2022, là một trong những dấu hiệu của việc “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội về mặt nội dung.
Cụ thể, các tiêu chí nhận diện “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội về mặt nội dung gồm: Tổng hợp tin bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân; tự tổng hợp tin tức từ các cơ quan báo chí thành bài viết và ghi thông tin Tổng hợp (PV). Mạng xã hội không có người dùng tương tác, chia sẻ thông tin; đăng bài viết của thành viên quản trị với cách viết gây hiểu nhầm là các bài báo.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam tương hiện tương đối đầy đủ, nhưng việc áp dụng chưa thực sự hiệu quả.
Theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013, trang điện tử được phân loại làm 5 nhóm, trong đó, trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó; trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định, các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có bao gồm tác phẩm báo chí và tác phẩm này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Điều này được quy định chi tiết tại Điều 6, Mục 1, Chương 2, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023. Theo đó, một trong các loại hình được bảo hộ về quyền tác giả là tác phẩm báo chí có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
Các hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả… là hành vi xâm phạm quyền tác giả, được quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
“Vì vậy, khi sao chép các tin, bài này cần phải được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (tức là của tác giả bài báo, của tòa soạn); trang thông tin điện tử tổng hợp muốn dẫn lại nguồn tin từ các báo thì bắt buộc phải có thỏa thuận nguồn tin. Trường hợp chỉ trích dẫn đường link dẫn tới tin, bài báo chí khi bình luận thì cũng phải bảo đảm không làm sai ý tác giả”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Luật sự Diệp Năng Bình cho, việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành là hành vi vi phạm pháp luật.
“Hành vi này sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm còn phải khắc phục hậu quả, gỡ bỏ thông tin vi phạm”, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Soi chiếu các quy định của pháp luật với những dẫn chứng đã nêu trên, có thể thấy hệ thống các trang, nhóm của “ông vua không ngai” Thế anh 28, và các trang BeatVn, Không sợ chó, Chửi thuê, Hà Nội News, Khóc thuê… có dấu hiệu rất rõ của việc “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội về mặt nội dung; dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện các tổ chức, cá nhân nêu trên và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.