Chủ nhật 24/11/2024 22:15

Bàn giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

Gian lận thương mại liên quan đến nông sản Lâm Đồng gây ảnh hưởng đến bà con nông dân, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” diễn ra sáng 26/9 tại Lâm Đồng. Tọa đàm với sự tham dự của đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP. Đà Lạt và các chuyên gia, doanh nghiệp.

Đà Lạt hướng tới 4 sản phẩm thế mạnh

Ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, là địa phương nhiều năm qua tham gia tích cực trong việc xây dựng thương hiệu nông sản, thương hiệu nông sản Đà Lạt đã trở thành một thương hiệu mạnh, được đầu tư lớn. Thương hiệu "Đà Lạt" tập trung vào 4 sản phẩm chính là rau quả, cà phê, du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: Lê Thành)

Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc gian lận thương mại liên quan đến nông sản của Lâm Đồng như đối với khoai tây, cà rốt và một số sản phẩm khác đặt ra những yêu cầu với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh và giá trị của nông sản Lâm Đồng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng - đánh giá, hiện nay toàn tỉnh có 37 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền (gồm 25 nhãn hiệu chứng nhận, 9 nhãn hiệu tập thể); 2 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận với 221 chủ thể tham gia chương trình. Đối với thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến nay đã có 768 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận.

Theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn bộ phận nhỏ vì lợi nhuận mà bất chấp các hành vi vi phạm, giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng.

Theo đó, ảnh hưởng đến trải nghiệm không tốt khi sản phẩm đó không đảm bảo chất lượng như các sản phẩm được sản xuất tại Đà Lạt, Lâm Đồng cũng như có thể sẽ gặp rủi ro về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, người nông dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất chân chính có nguy cơ bị giảm sản lượng tiêu thụ, đối mặt với tình trạng giảm doanh thu do sự cạnh tranh không công bằng từ sản phẩm giả mạo hoặc kém chất lượng.

Mặt khác, giá trị sản phẩm thật có thể bị giảm xuống do sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Đồng thời có thể phải chịu thêm chi phí để chứng minh tính chính hãng của sản phẩm, từ việc tạo nhãn mác chất lượng đến việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng.

7 giải pháp xử lý triệt để vi phạm thương hiệu nông sản Đà Lạt

Tiến sĩ Dương Thái Trung - Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá, việc giả mạo thương hiệu nông sản nói chung, khoai tây Đà Lạt nói riêng đã diễn ra trong thời gian dài. Theo quy định của pháp luật, đây là hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Những thiệt hại lớn gây ra từ hành vi giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt. Thứ nhất, thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" bị lạm dụng, giả mạo để mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ thương nhân, thương lái.

Thứ hai, người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, kinh tế do không được dùng sản phẩm có chất lượng, đúng thương hiệu, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý của nông sản đã cam kết.

Thứ ba, người trực tiếp sản xuất nông sản không được hưởng đúng giá trị mà mình tạo ra, các loại nông sản giả mạo thương hiệu bị người tiêu dùng phê phán, tẩy chay.

Thứ tư, do giả mạo nên việc quản lý chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải dành nhiều thời gian và nguồn nhân lực để tăng cường các hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm.

Đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm, bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, Tiến sĩ Dương Thái Trung cho rằng: Thứ nhất, cần quản lý chặt nguồn cung bằng các quy định chặt chẽ, cam kết của các thương nhân, tiểu thương kinh doanh nông sản trên địa bàn. Các tiểu thương, thương nhân phải báo cáo định kỳ (theo tuần, theo tháng) các nội dung nhập nông sản ở đâu, của ai, loại nông sản gì để bán cho ai, ở đâu, giá mua, giá bán, tồn kho trong kỳ báo cáo. Đồng thời, phân công công chức, viên chức theo dõi quản lý địa bàn, thương nhân/tiểu thương. Nếu để xảy ra vi phạm, công chức, viên chức đó không kịp thời báo cáo, xử lý sẽ liên đới chịu trách nhiệm.

Thứ hai, về người tiêu dùng, cần giải pháp tăng cường tuyên truyền phổ biến tới người tiêu dùng biết về chất lượng, nhận diện, sản lượng, thời điểm thu hoạch nông sản; các địa điểm phân phối nông sản đúng thương hiệu Đà Lạt.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp để hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt với nông sản nhập khẩu. Để hạ giá thành cần tăng quy mô sản xuất, phát triển cánh đồng lớn; phát triển mạnh các hợp tác xã cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra để tiết giảm chi phí sản xuất, phân phối; áp dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ.

Thứ tư, tăng cường thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng QR CODE đối với nông sản. Quản lý, cấp phát giấy xác nhận thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" theo hướng chặt chẽ hơn.

Thứ năm, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản có thương hiệu nói chung, khoai tây Đà Lạt nói riêng thông qua hợp đồng giữa các bên (nhà nông, hợp tác xã, ngân hàng, doanh nghiệp phân phối …)

Thứ sáu, cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc đảm bảo đủ mạnh, đủ rộng để có thể phổ biến đến người kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là thông tin về về sản lượng, thời vụ thu hoạch, chất lượng và kinh nghiệm phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây nhập khẩu từ nước ngoài; các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản Đà Lạt và các địa điểm phân phối các sản phẩm này.

Thứ bảy, địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng (quản lý thị trường, công an kinh tế…) các cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn để kịp thời xử lý vi phạm và ngăn ngừa tái phạm; xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe và làm gương.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Lâm Đồng

Tin cùng chuyên mục

Giá tiêu hôm nay 22/11/2024: Nông dân phấn khởi vì giá tiêu tăng mạnh đến 1.500 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 22/11/2024: Giá cà phê trong nước tăng mạnh

Giá cà phê hôm nay 21/11/2024: Giá cà phê trong nước quay đầu giảm

Giá tiêu hôm nay 21/11/2024: Bất ngờ đồng loạt giảm sâu

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Cá tầm hồ Hòa Bình được đấu giá thành công 150 triệu đồng

Giá tiêu hôm nay 20/11/2024: Giá tiêu tăng nhẹ vào ngày Nhà giáo Việt Nam

Giá cà phê hôm nay 20/11/2024: Giá cà phê trong nước tiếp đà tăng

Giá tiêu hôm nay 19/11/2024: Khởi động tuần mới giá tiêu thế nào?

Giá cà phê hôm nay 19/11/2024: Giá cà phê trong nước cao nhất hơn 113.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 18/11/2024: Giá cà phê trong nước có tiếp tục tăng?

Giá tiêu hôm nay 18/11/2024: Đắk Nông thu mua cao nhất, 140.000 đồng/kg

Xuất khẩu chè: Tư duy sản xuất cần gắn với nhu cầu thị trường

Giá tiêu hôm nay 17/11/2024: Trong nước tiếp tục tăng đồng loạt

Giá cà phê hôm nay 17/11/2024: Giá cà phê trong nước giảm nhẹ

Nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam

Giá tiêu hôm nay 16/11/2024: Trong nước đồng loạt tăng trở lại

Giá cà phê hôm nay 16/11/2024: Giá cà phê trong nước tiếp tục duy trì ở mức cao

Kết nối nông sản Cà Mau và Hòa Bình vào kênh phân phối

Doanh nghiệp cà phê chủ động đáp ứng Quy định chống phá rừng của EU