Chủ nhật 29/12/2024 02:44
Chống buôn lậu, gian lận thương mại ở Quảng Ninh: Nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng nơi tuyến đầu

Bài cuối: Bền bỉ, kiên trì, không khoan nhượng, không lùi bước

Sự hiệp đồng của các lực lượng Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường đã thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ, đem lại hiệu quả tích cực.

Khó khăn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng

Dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc, vấn nạn tiêu thụ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục hoành hành. Ðáng chú ý, việc tiêu thụ các mặt hàng này trở nên sôi động hơn qua giao thức thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Cảnh Thắng, Trưởng Phòng Phòng chống buôn lậu và Xử lý vi phạm (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Khó khăn trong thời điểm hiện nay đó là công tác quản lý nhà nước hải quan tại cửa khẩu. Trước kia tiền thuế xuất nhập khẩu thu qua cửa khẩu Móng Cái chỉ vài trăm tỷ đồng mỗi năm nay con số này đã tăng lên hơn 1.500 tỷ đồng.

Nhân lực không tăng, trong khi lượng hàng hóa qua cửa khẩu tăng cao đã tạo áp lực lớn đối với lực lượng chức năng

Lượng hàng hóa gia tăng cả về số lượng, chủng loại, trong khi nguồn nhân lực gần như không tăng, áp lực rất lớn đến lực lượng hải quan tại các cửa khẩu, nhiều thời điểm hàng hóa gia tăng không đáp ứng được hết yêu cầu…

Theo ông Thắng chia sẻ: "Hiện nay một giao dịch trên zalo, Facebook, trên sàn thương mại điện tử… cũng được vận chuyển qua cửa khẩu, qua bưu điện, hàng hóa mở tờ khai được đi thẳng… trong khi chế tài xử lý đối với các sàn giao dịch thương mai điện tử chưa có”.

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Hải quan Quảng Ninh đã xử lý một số vụ vận chuyển hàng hóa theo hình thức "ship hàng". Một xe vận chuyển nhiều chủng loại hàng, của nhiều người gửi, mỗi người gửi hàng hóa chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng tiền hàng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử lý.

Một chuyến xe nhiều khi chở nhiều mặt hàng của nhiều chủ hàng khác nhau cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng

Tại thời điểm này tuyến biên giới trên biển, lực lượng chức năng cũng như phương tiện tuần tra, kiểm soát còn yếu và thiếu. Tuyến trên biển thường là những mặt hàng giá trị lớn và các đối tượng thường sử dụng xuồng cao tốc từ 4-6 máy, công suất mã lực cao, trong khi xuồng của các cơ quan chức năng chỉ có 2 máy công suất mã lực thấp hơn, đó còn chưa kể đến các đối tượng này rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng đáp trả lực lượng chức năng.

Đánh giá qua thực tiễn đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh của Cục Hải quan Quảng Ninh cho thấy, công tác này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử thường không có cửa hàng cụ thể mà đặt hàng, lấy hàng ở nơi khác sau đó sử dụng dịch vụ cung ứng của các đơn vị vận chuyển, chuyển phát nhanh, thu tiền hộ và trên bao bì đơn hàng không thể hiện địa chỉ của người bán nên công tác phát hiện, xử lý chưa triệt để.

Việc một cá nhân có thể lập nhiều tài khoản mạng xã hội để kinh doanh nên khi phát hiện các vụ việc vi phạm có liên quan trên thương mại điện tử hoặc nền tảng số, công tác xử lý gặp khó khăn trong công tác xử lý.

Một số công ty cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh còn ký hợp đồng đại lý ủy quyền cho một số tổ chức, cá nhân khác (không có chức năng bưu chính, chuyển phát) để thực hiện dịch vụ bưu chính, vận chuyển hàng hóa. Một số đại lý ủy quyền vận chuyển lợi dụng việc ủy quyền của các công ty có chức năng kinh doanh dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Khi xảy ra vi phạm pháp luật trong vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hàng cấm, lực lượng chức năng chỉ xử lý được các đại lý ủy quyền, không xử lý được các công ty, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ bưu chính đã ủy quyền.

Ông Nguyễn Đình Hưng – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho hay: Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Bởi trên các website bán hàng hoặc qua các mạng xã hội, các chủ shop thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Hơn nữa, địa chỉ ảo trên mạng cho nên người bán hàng dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm...

Tinh vi hơn, để tránh bị phát hiện, xử phạt, nhiều đối tượng đã livestream bán hàng tại các kho hàng bên kia biên giới hoặc quảng cáo, bán sản phẩm ở những thành phố lớn, nhưng hàng hóa thường tập kết ở những nơi xa xôi, hẻo lánh.

Công tác phòng, chống buôn lậu trên biển cũng gặp không ít gian nan (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Cùng với đó, các lực lượng chức năng đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng còn nhiều lúng túng, chưa theo kịp được tốc độ phát triển "chóng mặt" của thương mại điện tử. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện…

Đồng quan điểm trên, Thượng tá Tẩy Văn Thái – Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Mô nhận định: Không chỉ thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, không theo quy luật và không cố định thời gian địa điểm mà thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu của lực lượng chức năng…

"Đặc biệt hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm cũng gặp không ít thách thức do các đối tượng ngày càng am hiểu pháp luật và có trình độ công nghệ thông tin, sử dụng cùng lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, nhiều số điện thoại không chính chủ, rất khó cho công tác truy vết và xử lý" - Thượng tá Thái cho hay.

Xây dựng kế hoạch đấu tranh, quyết liệt xử lý

Nói về công tác đấu tranh, chống buôn lậu trên địa bàn cửa khẩu Móng Cái trong thời gian tới, ông Phạm Văn Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái nhấn mạnh: Xác định rõ mục tiêu “quản lý được địa bàn, kiểm soát được tình hình, kiềm chế được đối tượng”, thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục nâng cao công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đồng thời, tập trung xác định đối tượng, mặt hàng trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sử dụng và khai thác triệt để tính năng, tác dụng các trang thiết bị chuyên dùng hiện đại vào công tác kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu.… nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và tạo tác động răn đe, phòng ngừa chung.

Chia sẻ về các giải pháp trong thời gian tới, Thượng tá Tẩy Văn Thái - thông tin: Xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, do vậy bên cạnh công tác chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến phương án đấu tranh đến việc phối hợp, kiểm tra, kiểm soát... Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Mô sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong trao đổi thông tin, xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm buôn lậu, các kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các kế hoạch phối hợp đã triển khai, qua đó kịp thời điều chỉnh bổ sung những giải pháp trong công tác phối hợp kiểm soát phòng, chống buôn lậu qua biên giới đạt hiệu quả.

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thực hiện đúng quy trình công tác kiểm tra, giám sát người, phương tiện hàng hóa xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua khu vực cửa khẩu” - Thượng tá Tẩy Văn Thái nhấn mạnh.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, với mục tiêu “Quản lý tốt địa bàn, không để xảy ra điểm nóng và vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn”, năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh để đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, ban hành các văn bản, tiếp tục cụ thể hóa các kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới tại Hoành Mô (Quảng Ninh) (Ảnh: Đức Nghiệp)

Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo thực thi nhiệm vụ; Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu và tích cực tham gia tố giác cho cơ quan chức năng hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm; Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Năm 2023, các lực lượng chức năng trong tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý 2.593 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 22 tỷ đồng, trong đó có 553 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thuế nội địa, tiền phạt vi phạm hành chính 101 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung 198 tỷ đồng. Xử lý hình sự 39 vụ/57 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 2.363 trường hợp; tiền bán thanh lý hàng tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 24,84 tỷ đồng.
Thu Hường - Ngọc Lâm
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Tạm giữ hàng nghìn sản phẩm thực phẩm nhập lậu đang lưu thông tại huyện Cao Lộc

Năm 2024, Quản lý thị trường TP. Cần Thơ phát hiện 578 vụ vi phạm

Bắc Giang: Liên tiếp phát hiện vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm

Quản lý thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Ninh Bình: Xử phạt Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ THN kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Phát huy vai trò nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Sơn La: Xử phạt lái xe vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nhiều kết quả nổi bật của Công đoàn Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh trong năm 2024

Lâm Đồng: Xử phạt Công ty Như Linh hơn 584 triệu đồng vì kinh doanh phân bón vi phạm chất lượng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm

Ninh Bình: Một cơ sở kinh doanh điện thoại bị phạt 25 triệu đồng

Thừa Thiên Huế: Thu giữ số lượng lớn hàng hoá giả nhãn hiệu

Hà Nội: Tạm giữ nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại 2 cơ sở ở La Phù

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm