Thứ bảy 14/12/2024 04:03
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh: Tiền đề và động lực để phát triển bứt phá

Bài 3: 'Nam châm' hút vốn FDI, 'đại bàng' liên tiếp về 'làm tổ"

Quảng Ninh là một trong những địa phương thu hút FDI hàng đầu Việt Nam nhờ chính sách ưu đãi, hạ tầng tốt và tiềm năng phát triển lớn.

Cuộc đua cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, tinh thần đồng hành, kề vai sát cánh của chính quyền tỉnh với nhà đầu tư và một bản Quy hoạch tỉnh có "khả năng kết nối" là cơ sở quan trọng giúp Quảng Ninh trở thành "cứ điểm" của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư "đại bàng".

"Đất lành, chim đậu"

Quảng Ninh được biết đến là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; điểm nút trong khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và kết nối với khu vực Đông Nam Á. Những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, con người được cho là tiềm năng lớn để tỉnh Quảng Ninh thu hút vốn đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Quảng Ninh cũng có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang trở thành địa điểm được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để đầu tư các dự án FDI có chất lượng cao - Ảnh: Đức Anh

Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn FDI, suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI với tinh thần xuyên suốt "sự phát triển của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh".

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, cả tỉnh sẽ có 5 khu kinh tế và 23 khu công nghiệp. Đây sẽ là những trụ cột tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh cũng đã lập đề án "Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040". Đồng thời, chú trọng công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Từ môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Quảng Ninh thu hút vốn FDI tăng theo từng năm. Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn thu hút đạt gần 5 tỷ USD. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD và là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Để tiếp đà tăng trưởng nguồn vốn này, ngay từ đầu năm 2024, Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thu hút nguồn vốn FDI; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực..., tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, 11 tháng năm 2024, Quảng Ninh thu hút hơn 2,29 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các dự án điển hình như: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam, tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà); dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai Amata (thị xã Quảng Yên)…

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina tại Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Trao đổi với truyền thông, ông Tsuchimochi Atsusi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao những lợi thế của tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút các dự án đầu tư, nhất là lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Tôi tin rằng trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản như chúng tôi sẽ lựa chọn Quảng Ninh để triển khai các dự án đầu tư".

Ông Trần Kinh Vĩ - Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu, Tập đoàn Jinko Solar cũng chia sẻ: "Quảng Ninh là địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của tập đoàn trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn tại nước ngoài. Chính sự hỗ trợ thực chất của tỉnh đối với tập đoàn trong thời gian vừa qua là một trong những yếu tố quyết định để tập đoàn quyết định lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư các dự án".

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án lớn

Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó trọng tâm là thu hút nguồn vốn, nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng mới của ngành kinh tế.

Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tiếp xúc và làm việc với nhiều đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu về môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác và triển khai các dự án tại địa phương.

Đoàn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh tại khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn nhà đầu tư nghiên cứu về môi trường tại Quảng Ninh như: Đoàn liên doanh Công ty cổ phần YNC và Công ty CP Greenlink Đà Nẵng; đoàn Hiệp Hội Xúc tiến Thương mại và Kinh tế vùng Vịnh Lớn; đoàn Công ty Bgrim B.Grimm Power (Vietnam) nghiên cứu đầu tư dự án điện gió.

Phối hợp đón tiếp, làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc); Tổ chức pháp nhân - hiệp hội Greyhound Hàn Quốc (KGA), Hàn Quốc tìm hiểu dự án xây dựng tổ hợp thể thao và vui chơi giải trí quốc tế Hạ Long.

Đại diện của tỉnh tham dự, phát biểu giới thiệu về môi trường đầu tư tại buổi làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội, trao đổi, cung cấp các thông tin về dự án đang kêu gọi đầu tư tới đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) và 20 doanh nghiệp tiêu biểu từ thành phố Seoul, Hàn Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát và cập nhật Danh mục dự án thu hút đầu tư, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, khuyến khích thu hút FDI giai đoạn 2024 - 2030. Điều này giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn về các cơ hội đầu tư tại địa phương.

Quảng Ninh đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, DDCI. Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định rõ các ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành này phát triển, đặc biệt là ngành than và một số lĩnh vực còn dư địa.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu về thu hút vốn FDI giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, địa phương này dự kiến sẽ thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký, gần gấp đôi so với giai đoạn từ 2020 trở về trước.

Với những nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong năm thứ 10 liên tiếp. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung cao độ, nỗ lực quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu cả năm 2024.

Theo đại diện Công ty Gokin Solar, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, tạo ra giá trị, doanh thu lớn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, công ty đã lựa chọn tỉnh Quảng Ninh để đầu tư, phát triển mạng lưới kinh doanh.

Còn theo đại diện khu công nghiệp DEEP C, đến nay, hạ tầng khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và khu công nghiệp Nam Tiền Phong đang từng bước được hoàn thiện để phục vụ cho việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Riêng khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, hệ thống đường giao thông trục chính, cấp điện, cấp nước đã cơ bản hoàn thành. Trạm xử lý nước thải với công suất 4.500m3/ngày đã được hoàn thiện, sẵn sàng đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu vận hành của các dự án sản xuất trong khu công nghiệp.

Tận tâm với doanh nghiệp - "đặc sản" của chính quyền Quảng Ninh

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh đều khẳng định đây là nguồn ngoại lực có vai trò, vị trí quan trọng thúc đẩy kinh tế Quảng Ninh phát triển. Vì thế, Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để trở thành một điểm sáng của cả nước về thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI những năm tới một cách hiệu quả.

Ông Châu Nghĩa Văn - Phó Tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn Foxconn Việt Nam trả lời truyền thông cho biết: "Sau 16 năm đầu tư tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh, tập đoàn lựa chọn để triển khai những dự án sản xuất quan trọng. Một trong những lý do để chúng tôi quyết định đầu tư thêm dự án tại Quảng Ninh là sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương. Cả 2 dự án mới của Foxconn được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định".

Lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp FDI - Ảnh: Minh Toàn

Hiện nay bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó đoán trước với nhiều vấn đề chưa từng xảy ra, tác động mạnh mẽ đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Nhận thức rõ điều này, tỉnh Quảng Ninh luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh; đồng thời, xác định đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp là phương châm hoạt động của các cấp, ngành.

Trên cơ sở xác định chiến lược, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đất đai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu và tháo gỡ các "nút thắt" của nhà đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp… Tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận.

Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư. Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm tổ trưởng, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó, các thành viên gồm Thủ trưởng nhiều sở, ngành, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân.

Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo việc tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư có dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây khó khăn.

Tổ công tác còn có quyền yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và UBND các địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc, với phương châm: phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là phát triển của tỉnh.

Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam chính thức đi vào sản xuất kinh doanh từ tháng 10/2023, hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn Quảng Ninh - Ảnh: Thành Hưng

Ông Châu Thành Hưng - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nhằm thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2024 là "Nâng cao chất lượng tăng trưởng", thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể kịch bản tăng trưởng kinh tế; đồng thời phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tổ chức gặp mặt doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp nhằm kịp thời lắng nghe những vướng mắc, nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.

"Thời gian tới, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động gặp gỡ, trao đổi để sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tiến độ", ông Hưng khẳng định.

Với sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội, sự chủ động vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị trên quan điểm luôn đồng hành, phục vụ nhà đầu tư và doanh nghiệp, coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh, Quảng Ninh đã và đang là "địa chỉ đỏ" của "làn sóng" chuyển dịch đầu tư, với số vốn được xác lập ở kỷ lục mới, góp phần quan trọng khơi thông dòng vốn ngoại cho mục tiêu tăng trưởng.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ngoài "nội lực" rất hấp dẫn, Quảng Ninh đặc biệt trong thu hút đầu tư bởi tinh thần quyết liệt, đổi mới sáng tạo cùng sự vào cuộc, phối hợp của chính quyền tỉnh.

"Môi trường kinh doanh, sự ổn định và cam kết đồng hành dài hạn của chính quyền là yếu tố quan trọng khiến các nhà đầu tư tìm đến và dành nhiều tâm huyết cho Quảng Ninh. Cơ hội kinh doanh, lợi ích lâu dài, tầm nhìn của doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích trong lĩnh vực mà họ thực sự quan tâm", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Khi nào 2 dự án nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động?

Năm 2025, Nam Định đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%

Sắp diễn ra Giải Marathon quốc tế Di sản Cần Thơ năm 2024

TP. Cần Thơ: Sau tinh giản bộ máy, cán bộ dôi dư được hỗ trợ như thế nào?

Quảng Ninh: Gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU góp phần đem lại diện mạo mới cho 'đất mỏ'

Thanh Hóa: Huyện Thạch Thành sắp có thêm mỏ đất rộng 13ha

Chợ An Đông - 'thủ phủ' thời trang tại TP. Hồ Chí Minh vắng khách dịp cuối năm

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Thanh Hóa: Hơn 1,7 tỷ đồng để cưỡng chế dự án trường tư thục vỡ nợ, phải đấu giá đến 19 lần

Tỉnh Quảng Ninh: Dấu ấn thành công từ ba đột phá chiến lược trong năm 2024

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hơn 14.000 người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động tại Bắc Ninh

Đà Nẵng: Hỗ trợ 20.000 người lao động hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Lai Châu: Nhiều cá nhân, tập thể đoạt giải cuộc thi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đà Nẵng: Thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Lữ đoàn 171 tổ chức hội nghị thuyền trưởng, chính trị viên tàu lần thứ nhất

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Cần Thơ: Bao giờ dự án bệnh viện ung bướu nghìn tỷ mới ‘hồi sinh’?