Hải quan cửa khẩu Mộc Bài làm thủ tục thông quan |
Còn nhiều khó khăn
Tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm do Ban Chỉ đạo 389 tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo 389 cũng phản ánh, nguyên nhân của tình trạng thuốc lá lậu ngày càng tăng do cấp ủy chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt thường xuyên trong công tác chỉ đạo. Các lực lượng chức năng ở một số địa phương nhiều thời điểm chưa làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu; một số đơn vị còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại khó, sợ nguy hiểm; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và các địa phương còn nhiều hạn chế.
Trao đổi trực tiếp với các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường (QLTT), họ đều thừa nhận rất khó khăn trong công tác phối hợp vì ngoài những chuyên án lớn có kế hoạch, mỗi đơn vị còn có nhiệm vụ khác nhau, quy trình, nguyên tắc làm việc lại khác nhau. Thêm vào đó, địa bàn hoạt động rộng, lực lượng mỏng, phân tán, thiếu và yếu công cụ hỗ trợ, thiếu kinh phí cho đầu tư mua sắm phương tiện nên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu. Chính vì thế, hiệu quả chống buôn lậu chưa cao. Đơn cử như Chi cục QLTT Long An có 8 đội mà chỉ có 2 xuồng máy và một số dùi cui điện, còn Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài có gần 30 người nhưng chỉ có 3 người làm công tác chuyên trách chống buôn lậu...
Ngoài những bất cập trong xử lý hình sự, ngay đến việc xử lý thuốc lá nhập lậu, thu giữ được cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Một số địa phương kiến nghị cho tái xuất nếu đủ chất lượng vì làm như vậy sẽ có lợi về kinh tế như không mất chi phí tiêu hủy, không ảnh hưởng đến môi trường...
Bác bỏ đề nghị tái xuất thuốc lá lậu, ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho rằng, chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam rất đa dạng, không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng của một cơ quan nào. Do đó, nếu các loại thuốc lá nhập lậu được tái xuất thì nguy cơ quay tái thẩm lậu về Việt Nam là rất cao vì sẽ không có quốc gia nào chấp nhận sản phẩm không đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu là cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới. Để hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị tăng mức hỗ trợ từ 3.500 đồng/bao lên 4.500 đồng/bao, áp dụng từ ngày 1/1/2017.
Cần giải pháp đồng bộ
Để ngăn chặn, giảm thiểu thuốc lá lậu vào thị trường Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần một giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.
Trước hết, các cơ quan chức năng cần rà soát, thống nhất sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý còn mâu thuẫn chồng chéo gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá. Cụ thể, bỏ quy định xác định giá trị lô hàng và giảm số lượng vận chuyển, tàng trữ xuống dưới mức 500 bao thuốc lá; không phân định việc xử lý hành vi có yếu tố qua biên giới hay trong nội địa.
Thứ hai, phải đánh vào yếu tố “siêu lợi nhuận”, tăng mức xử lý hình sự sẽ ngăn chặn được hành vi, nhất là sự tiếp tay cho buôn lậu từ chính những cư dân biên giới, thậm chí là một số cán bộ công chức viên chức thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu. Về điều này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia 389 - cũng đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác điều tra, trinh sát nắm tình hình, triệt phá các đối tượng đầu nậu, đường dây ổ nhóm buôn bán thuốc lá nhập lậu để khởi tố, truy tố trước pháp luật
Thứ ba, rà soát, kiểm soát hệ thống bán lẻ thuốc lá trên cả nước, nếu phát hiện hành vi bán thuốc lá nhập lậu, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu.
Thứ tư, cần bổ sung, tăng cường nhân sự và công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan và QLTT; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá. Trích 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá lậu.
Thứ năm, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá nhập lậu hay các hành vi tiếp tay cho buôn lậu. Đối với vấn đề xử thuốc lá lậu bị tịch thu, cần tiêu hủy hoàn toàn để tránh tình trạng quay ngược trở lại Việt Nam. Việc tiêu hủy cần đưa đến các cơ sở xử lý môi trường công nghiệp, bảo đảm không gây ô nhiễm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để xử lý, giảm thiểu tình trạng thuốc lá nhập lậu, cần xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các khu vực biên giới; tạo việc làm thu nhập ổn định cho người dân, nhất là những người nghèo, thanh niên chưa có việc làm...
Trên con đường trở về từ biên giới Tây Nam, chúng tôi vẫn bắt gặp những tiếng nẹt bô của đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu lạng lách như bay hướng về TP. Hồ Chí Minh trong sự khiếp đảm của những người đi đường. Thiết nghĩ, nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ thì tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu tại Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp diễn. |
TIN LIÊN QUAN | |
Bài 2: Băn khoăn từ khoảng trống chế tài | |
Bài 1: Câu chuyện từ biên giới Tây Nam |