Bài 2: Phát triển cơ sở hạ tầng - bước đột phá chiến lược
Giao thông đi trước, đón đầu
Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Quảng Ninh kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển "1 tâm, 2 tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá", nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng với đó, theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh xác định rõ quan điểm mục tiêu phát triển, trong đó tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài 80,23 km, có điểm đầu cao tốc nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). |
Sớm nhận diện vai trò của liên kết vùng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua Quảng Ninh đã chủ động dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để cởi bỏ "nút thắt" về hạ tầng giao thông, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp Quảng Ninh đã tìm tòi con đường đi riêng cho mình bằng những ý tưởng táo bạo, riêng có, dùng đầu tư công như vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội hướng tới mục tiêu phát triển. Nhờ đó, Quảng Ninh đã mang một diện mạo mới, với hàng loạt công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ với tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực.
"Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái là tuyến đường của sự giao thương, quảng bá hình ảnh, thương hiệu và mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp... cho Quảng Ninh". TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. |
Với chiều dài 176 km, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được coi là trục giao thông xương sống của tỉnh. Đây là tuyến cao tốc kết nối trực tiếp, đồng bộ cả 3 khu kinh tế: Ven biển Quảng Yên, Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái.
Việc kiến tạo hành lang giao thông hiện đại gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh đã triển khai đầu tư các công trình như: Cầu Rừng, cầu Lại Xuân, cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên (Hải Phòng); cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong (Quảng Yên) với Lạch Huyện (Hải Phòng); đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều; đầu tư mở rộng Quốc lộ 279, kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn; cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn; Quốc lộ 4B...
Đường tỉnh lộ 341 nối hai khu kinh tế cửa khẩu, góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế - xã hội vùng biên giới Quảng Ninh - Ảnh: Tiến Anh |
Ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết: Định hướng phát triển giao thông của tỉnh giai đoạn tới là tiếp tục tạo đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
Vì thế, Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối; chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển để khai thác tốt dư địa đất đai hiện có.
Đường băng để kinh tế - du lịch cất cánh
Không chỉ đường bộ, quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái. Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Đông Triều tới Móng Cái, có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế... cũng là những bước đi không để đợi đến ngày mai.
Với hàng trăm hòn đảo, bờ biển dài, Quảng Ninh cũng định hình rõ nét trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển. Đó không chỉ là lợi thế tự nhiên, mà chính là động lực cho phát triển kinh tế biển. Một số cảng biển quan trọng như Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Mũi Chùa; xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục đang dần hình thành.
Cảng khách Ao Tiên Khu kinh tế Vân Đồn - Ảnh: Đỗ Phương |
Bên cạnh đó, sẽ là các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển; gắn với sân bay Vân Đồn; gắn với cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh và các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ tiếp tục xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 trở thành sân bay "xanh". Trong giai đoạn 2030 - 2050, Quảng Ninh sẽ có thêm sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Cô Tô.
Với những thuận lợi về cơ sở hạ tầng cùng những cơ chế chính sách đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phát triển logistics thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khẳng định: Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội, cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng container quốc tế Cái Lân. Ảnh: Deep C |
Hiện ngành du lịch tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế với tổng kinh phí thực hiện các dự án trọng tâm khoảng 432.825 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến sẽ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, bến cảng, cơ sở vật chất du lịch cao cấp tại các đảo, đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, biến khu vực vịnh Cửa Lục trở thành "Vịnh Sydney bên bờ Vịnh Hạ Long". Đề án cũng định hướng phát triển TP Móng Cái trở thành thành phố giải trí và sự kiện với thương hiệu "Kinh đô ánh sáng vùng biên"; xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ mở các đường bay, kết nối hàng không quốc tế đến Vân Đồn…
Có thể thấy, hàng loạt công trình lớn hoàn thiện trong vài năm qua đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về hạ tầng giao thông. Nhờ đó, không gian du lịch, sản phẩm du lịch được mở rộng và đa dạng hóa, tăng trưởng mạnh mẽ. Các chỉ tiêu của du lịch đã được cải thiện rõ rệt, từ số lượng khách, tổng thu, số ngày lưu trú của khách cũng tăng dần đều.
Mở rộng các khu công nghiệp hiện đại
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 49 - 50% cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, tỉnh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần lệ thuộc vào tài nguyên khoáng sản, đồng thời dành nguồn lực ưu tiên phát triển, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông kết nối và hạ tầng các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đón các nhà đầu tư chiến lược.
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh sẽ có tổng số 16 khu công nghiệp được quy hoạch và phân bố tại 10/13 địa phương với tổng diện tích hơn 17.000 ha. Đến nay đã có 6 khu công nghiệp có dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, khu công nghiệp Sông Khoai; 3 khu công nghiệp gồm Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng đang trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng hoàn thiện, còn lại là đang triển khai việc lập và hoàn thiện các quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong cơ bản hoàn thành hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp - Ảnh: Tiến Dũng |
Xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng của nền kinh tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025; tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, không chỉ tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới, tỉnh cũng đang tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính. Qua đó, thu hút được các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững. Bên cạnh đó, công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp được thực hiện linh hoạt, thống nhất…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ và sử dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, việc xử lý chất thải, nước thải có điều kiện sử dụng hệ thống xử lý chất thải tập trung, giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất thiết bị âm thanh của Công ty Tonly Technology Limited tại Khu công nghiệp Ðông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Mạnh Đạt |
Đến thời điểm này, hạ tầng các khu công nghiệp của Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ, cơ bản đầu tư đồng bộ, đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đưa Quảng Ninh trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của khu vực. Điểm nhấn quan trọng, mô hình "3 trong 1" (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) đã được triển khai hiệu quả, nhu cầu về nhà ở công nhân, cơ sở vật chất đang được bổ sung hoàn thiện...
Điều này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm, gắn bó, phát triển mở rộng tại tỉnh mà còn đón nhận sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế mới, là những nhãn hàng uy tín, thương hiệu đẳng cấp trên thị trường. Đây chính là động lực quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh những năm qua và thời gian tiếp theo.