Bài 1: Từ cuộc giám sát quy mô lớn, trải rộng
Nội dung giám sát đã được lựa chọn “đúng” và “trúng”
Tiết kiệm, chống lãng phí không thể hiểu đơn thuần như “cây kéo” để cắt xén chi tiêu, mà còn một khía cạnh khác rất quan trọng là phải kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Thực tế đã cho thấy, lãng phí gây nguy hại cho xã hội không kém gì tham nhũng.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 |
Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII luôn nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đơn cử như: Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cùng đó là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cũng phải kể đến Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”…
Nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan…, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Đoàn giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng Đoàn... Phạm vi giám sát được xác định rõ là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước. Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Để bảo đảm thành công cuộc giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội luôn chỉ đạo sát sao Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành thời gian tại 4 phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương pháp, kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát.
Do phạm vi rất rộng nên Đoàn giám sát đã tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp 580 văn bản, báo cáo và hệ thống các phụ lục với khoảng 100.000 trang tài liệu.
Với tính chất, quy mô rộng của cuộc giám sát nên đã huy động một lực lượng lớn tham gia. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp tại địa phương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp vừa có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Nhiều chuyên gia có chuyên môn sâu đã tham gia vào các hoạt động của Đoàn giám sát…
Nhìn nhận và đánh giá về nội dung này, đại biểu Siu Hương - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, với tình hình hiện nay, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.
Xét về quy mô, lần này Quốc hội thực hiện chương trình giám sát quy mô rất lớn từ trước đến nay. Đây là cuộc giám sát huy động một lực lượng lớn tham gia, đặc biệt, các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch, đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề.
Tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương. “Bằng một phép so sánh có thể thấy nếu như các chương trình giám sát trước đây chỉ tập trung vào một lĩnh vực, một hoặc một số nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện ở một số địa phương thì cuộc giám sát lần này trải rộng từ Trung ương đến các địa phương” - đại biểu Siu Hương cho biết.
Đại biểu đoàn Gia Lai cũng nhận xét, phạm vi giám sát có thể khẳng định rất rộng, từ lĩnh vực kinh tế, tổ chức, bộ máy đến hoạt động tư pháp, một chương trình giám sát đã xâu chuỗi gần như hầu hết các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh trong đời sống xã hội. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao quát ở phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều quy định pháp luật chuyên ngành cho tất cả các ngành, lĩnh vực với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật cụ thể.
Đại biểu Trần Đức Thuận - đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An nhận định, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới như mời chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Đoàn giám sát, tập trung giám sát thông qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, kết quả giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội và chỉ đi xuống cơ sở đối với trường hợp thực sự cần thiết. “Cách làm này vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, vừa hạn chế gây phiền hà cho địa phương mà mục đích hoạt động giám sát vẫn đạt được” - ông Trần Đức Thuận nói.
Thấy gì từ những con số “biết nói”
Theo báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Siu Hương - đoàn Gia Lai: Việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước |
Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành kế hoạch, giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Điều cần nói ở đây là qua quá trình giám sát, nhiều con số “biết nói” đã phản ánh tương đối toàn diện bức tranh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa đạt khoảng 60%.
Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tổng thu và quy mô thu ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng đạt 6,918 triệu tỷ đồng và bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ 64,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 theo đúng mục tiêu đề ra, song vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng.
Đáng chú ý, một số địa phương đã tiết giảm mạnh dự toán chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển như: Bà Rịa - Vũng Tàu tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 50,5%; Hà Nội là 47,2%; Phú Yên là 43,9%; Quảng Ninh là 42,3%; Hải Phòng là 42%; Vĩnh Phúc là 34,8%.
Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản nhà nước dần được hoàn thiện. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hàng hải có chuyển biến tích cực. Nhiều bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm và sử dụng tài sản công. Việc xây dựng phương án và tiến hành sắp xếp lại, xử lý, chuyển giao cơ sở nhà đất, trụ sở các cơ quan bước đầu có kết quả đáng khích lệ.
Đồng thời, đã sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016 - 2021. Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian.
Tính đến cuối năm 2021 đã giảm 13,85% số đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra. Công tác cải cách hành chính nhà nước được coi trọng, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản được tăng cường. Quy hoạch, kế hoạch phân bổ quỹ đất bảo đảm cho thực hiện Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đề ra. Nguồn thu từ đất góp phần tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ (như Ninh Bình: 725 dự án treo, diện tích 1.795 ha; Đồng Nai: 376 dự án, diện tích 3.875 ha; Quảng Ngãi đã chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án; Bình Dương: 289 dự án, diện tích 2.283 ha; Kiên Giang: 206 dự án, diện tích 2.075 ha; Hậu Giang huỷ bỏ 141 dự án), yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai. Tài nguyên nước và các tài nguyên khác từng bước được quản lý khai thác có hiệu quả; nâng cao dần khả năng bảo đảm an ninh nguồn nước.
Điều cần nhấn mạnh thêm là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra được tăng cường và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn; có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 là lựa chọn đúng và trúng trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực và phát triển đất nước. |
Bài 2: Vẫn còn hàng nghìn dự án gây thất thoát, lãng phí