Bà Rịa – Vũng Tàu: 5 tháng xử lý hơn 240 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 2,5 tỷ đồng
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tháng 5/2024, đơn vị đã kiểm tra 104 vụ, trong đó có 59 vụ vi phạm, xử lý 49 vụ với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và Đoàn kiểm tra liên ngành do các sở ngành trong tỉnh chủ trì kiểm tra 51 tổ chức, cá nhân.
Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra 441 vụ, qua đó phát hiện 246 vụ vi phạm, tiến hành xử lý 229 vụ với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là gần 4,4 tỷ đồng (trong đó, phạt hành chính hơn 2,6 tỷ đồng, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp hơn 10 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu hơn 1,7 đồng), thu nộp ngân sách Nhà nước gần 2,5 tỷ đồng.
Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của nhãn hiệu CROCS tại Việt Nam tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng bán lẻ giày, dép ở TP. Vũng Tàu - (Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Ngày 1/6/2024, trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Đông Hòa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tập trung kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; việc thực hiện các quy định về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa; việc chấp hành các quy định của pháp luật về thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; kiểm tra việc chấp hành các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
“Cục Quản lý thị trường tỉnh đã đặc biệt chú trọng trong việc kiểm tra đối với các nội dung, mặt hàng theo chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường và các cơ quan cấp trên khác trong thời gian qua như: thuốc lá, đường cát, vàng, xe đạp điện,… Qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với nhiều trường hợp có hành vi vi phạm”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, trang sức trên địa bàn tỉnh - (Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Cũng theo ông Vũ Đông Hòa, riêng đối với mặt hàng vàng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất 49 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn. Qua đó phát hiện 49 doanh nghiệp đều vi phạm với các hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục kinh doanh có điều kiện; không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành xác minh làm rõ và ban hành quyết định xử phạt đối với 31 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 865 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 426 triệu đồng. Các vụ còn lại đang tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Riêng đối với mặt hàng vàng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức kinh doanh vàng chấp hành đúng quy định trong hoạt động kinh doanh”, ông Vũ Đông Hòa nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm, bên cạnh công tác chủ động trong quản lý địa bàn, theo dõi diễn biến thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua đó, khẳng định nêu cao vai trò của lực lượng Quản lý thị trường, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, ổn định trật tự thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tạo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động thương mại, môi trường đầu tư.