Ảnh hưởng dịch bệnh, xuất khẩu cá tra khó "thoát" tăng trưởng âm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong các tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, ASEAN, EU… đã sụt giảm mạnh dưới tác động của dịch COVID-19. Trong đó, với thị trường Mỹ, sau khi tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019 vào tháng 3, thì bước sang tháng 4/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm 20,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do tới nay, Mỹ vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, hoạt động sản xuất của nước này gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tính chung 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 74,6%, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn |
Với thị trường ASEAN, theo VASEP, tính đến hết tháng 4/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 53 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Thái Lan cũng giảm gần 30%, Malaysia giảm 31%, riêng Singapore tăng 127,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự tại EU. Do thị trường này bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, nhất là tại các thị trường nhập khẩu lớn trong khối như Italy, Tây Ban Nha và cả Anh... Chính vì thế, lệnh phong tỏa tại một số nước như Italy khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm mạnh vì hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn trường học bị đóng lại. Sự đình trệ kinh doanh khiến các nhà phân phối thủy sản phải giảm giá, ảnh hưởng đến giá thủy sản nhập khẩu. Do đó, tính tới hết tháng 4/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 48,3 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty CP thủy sản Sông Tiền - chia sẻ: Từ đầu năm tới nay, bình quân mỗi tháng công ty chỉ xuất khẩu được trên dưới 150 tấn cá tra thành phẩm. Việc xuất khẩu giảm dẫn tới nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, giảm xuống còn 12 ngày/tháng. “Tại các nước Anh, Đức… chúng tôi đều đã ký kết hợp đồng giao hàng nhưng khi dịch phức tạp các nhà nhập khẩu nơi thì không nhận hàng, nơi nhận thì yêu cầu giảm giá hoặc thanh toán chậm… đã khiến doanh nghiệp buộc phải giữ hàng tồn trong kho”, bà Ánh cho biết.
Đánh giá về xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, bà Ánh cho biết, do thủy sản là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dù dịch có kéo dài thì thị trường vẫn cần. Chính vì thế để ứng phó trong lúc khó khăn công ty đang đầu tư hơn chục tỷ đồng để xây kho lạnh có sức chứa 1.000 tấn sản phẩm để trữ hàng tồn kho, chờ thị trường hồi phục.
Về phía VASEP, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết: Dù có những khó khăn nhất định song nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục sau dịch. Và thực tế thì thị trường Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi do đó nhiều doanh nghiệp đang tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và thị trường này được xem là thị trường quan trọng tạo sức bật phục hồi xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, EU sẽ bắt đầu mở lại từng phần, chưa kể sắp tới đây Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nên VASEP sẽ khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Ở các thị trường khác như ASEAN, Nhật Bản, Nga… theo ông Hòe, VASEP đều có các khuyến cáo cho doanh nghiệp có hướng tiếp cận phù hợp. Chẳng hạn đối với thị trường Nhật Bản cần nghiên cứu làm sản phẩm cá tra giả lươn và tập quán tiêu dùng của thị trường như sản phẩm chia thành gói nhỏ với bao bì thiết kế đẹp tiện dụng.
Dù xuất khẩu khó khăn song VASEP cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ một số thị trường khác là Trung Quốc, Hồng Kông, Anh và Singapore. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang ba thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, Singapore và Anh tăng trưởng dương khả quan, lần lượt: 20,1%; 127,6% và 20,3%. Điều này giúp cho bức tranh xuất khẩu cá tra bớt ám đạm trong nỗi lo lắng về sự gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài. |