Ấn Độ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi để hướng tới tự chủ về công nghệ
“Với việc Nội các phê duyệt thành lập 3 nhà máy sản xuất /chu-de/chat-ban-dan.topic, Ấn Độ đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi để hướng tới tự chủ về công nghệ. Điều này cũng sẽ đảm bảo Ấn Độ nổi lên như một trung tâm toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết.
Trước đó, các cơ sở bán dẫn được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt ngày 29/2 trong khuôn khổ chương trình “Phát triển Hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở Ấn Độ”. Các cơ sở này sẽ được thành lập ở Dholera (bang Gujarat), Morigaon (bang Assam) và Sanand (bang Gujarat).
Ấn Độ hướng tới trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn |
Theo Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ashwini Vaishnaw, công tác xây dựng 3 cơ sở trên sẽ bắt đầu trong vòng 100 ngày tới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một đơn vị bán dẫn ở Assam.
Theo ông Vaishnaw, quyết định trên của chính phủ cho phép khu vực Đông Bắc của đất nước sẽ có đơn vị sản xuất chất bán dẫn đầu tiên. Các sản phẩm bán dẫn sản xuất tại bang Assam sẽ được các công ty ô tô lớn trên toàn cầu sử dụng.
Ấn Độ công bố chương trình Phát triển Hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và màn hình trong nước vào ngày 21/12/2021 với tổng kinh phí hơn 9 tỷ USD.
Dưới thời Thủ tướng Modi, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn. Hồi tháng 12/2022, New Delhi đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch trị giá 10 tỷ USD hỗ trợ ngành chip, đồng thời mở cửa cho các công ty nước ngoài thiết lập cơ sở sản xuất và đầu tư vào nước này.
Để đảm bảo nhu cầu về lực lượng lao động, Chính phủ Ấn Độ cũng đã triển khai các chương trình phát triển và nuôi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Các kỹ sư Ấn Độ hiện chiếm khoảng 20% lực lượng lao động trong lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn khác nhau từ thiết kế cho tới sản xuất.
Nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực này cũng cam kết đào tạo và phát triển các tài năng tương lai trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hướng tới việc thành lập liên minh với các quốc gia có vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn như Mỹ.
Mới đây, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về chất bán dẫn, theo đó thiết lập một cột mốc quan trọng trong liên minh công nghệ đang phát triển giữa hai bên.
Thỏa thuận vạch ra lộ trình chiến lược cho những nỗ lực hợp tác giữa Ấn Độ và EU. Trọng tâm chính của thỏa thuận này là thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn có khả năng phục hồi và thúc đẩy các nỗ lực đổi mới chung.