Nhiều ca tử vong do uống rượu ngâm từ động vật hoang dã
CôngThương - Theo báo cáo của Cục bảo tồn đa dạng sinh học, nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã tăng nhanh trong 20 năm qua do nền kinh tế tăng trưởng và phát triển cùng với gia tăng dân số và khả năng tiêu dùng đối với các sản phẩm “xa xỉ”. Hình thức tiêu thụ động vật hoang dã phổ biến là thực phẩm, ngâm rượu, làm thuốc, trang trí, trang sức, thú cảnh… Các loài và sản phẩm tiêu thụ trái phép phổ biến: tê tê, rùa, rắn, ngà voi,cầy, hổ, gấu, sừng tê giác…
Sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm này đã làm tăng nạn săn bắt, buôn bán trái phép và đẩy nhiều loài nguy cấp tới nguy cơ tuyệt chủng. Hiện loài hổ ước tính chỉ còn dưới 30 cá thể trong tự nhiên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga- Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã-cho biết, hệ quả nghiêm trọng của buôn bán động vật hoang dã còn đe dọa đến sức khỏe của con người. 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Bà Nga ví dụ, dịch bệnh SARS vào năm 2003 có nguồn gốc từ loài dơi móng ngựa và trên cầy hương. Qua các điều tra cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh này của người bán động vật hoang dã là 40%; tỷ lệ chủ buôn bán cầy voi mốc bị nhiễm là 72,7%...
Lương y Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hồi Đông y Việt Nam cũng đưa ra những loại bệnh khác đáng lo ngại mắc phải do sử dụng động vật hoang dã: Nhiều ca tử vong vì bị suy gan, suy thận do uống quá nhiều rượu pha mật gấu; men gan tăng cao, nhiễm độc gan do sử dụng sừng tê giác…
Trước thực trạng nêu trên, Cục Quản lý Y dược (Bộ y tế) và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam nhìn nhận tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã không chỉ trong lĩnh vực môi trường mà trong cả các lĩnh vực kinh tế, y tế và xã hội. Đồng thời, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách bảo vệ động vật hoang dã và thực thi hiệu quả các quy định. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận tội phạm về động vật hoang dã là một loại tội phạm nghiêm trọng và thực hiện xử phạt nghiêm. Hơn thế, cần tăng cường tuyền truyền nâng cao nhận thức cho công chúng về tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã.