68 học viên khu vực phía Nam hoàn thành khóa đào tạo cải tiến sản xuất ngành dệt may
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có ngành công nghiệp dệt may. Ngay khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, Bộ Công Thương đã có chính sách đẩy mạnh phát triển, phục hồi ngành công nghiệp này thông qua việc triển khai đề án: “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) ngành dệt - nhuộm - may khu vực phía Nam” năm 2021.
Lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp và học viên tham dự buổi lễ tổng kết khóa học |
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, sau tác động của đại dịch Covid-19, trên thế giới xuất hiện xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu xu thế đầu tư nước ngoài mới.
Theo đó, việc cải tiến sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng cần phải được thực hiện thường xuyên, duy trì liên tục bởi đây là điều kiện quan trọng đối với các DN nước ngoài khi lựa chọn nhà cung ứng, cũng như đối tác cung cấp sản phẩm phải luôn đảm bảo quy trình sản xuất từ đầu vào đến đâu ra phải được chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu trong thời gian dài.
PGS. TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng IUH Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho học viên xuất sắc |
“Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng đây sẽ là cầu nối giúp các DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phải luôn luôn cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy ngành dệt may nói riêng và ngành công nghiệp nói chung trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - PGS.TS Đàm Sao Mai bày tỏ.
Theo TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Chủ nhiệm đề án, Chương trình “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường cho các DN ngành dệt – nhuộm – may khu vực phía Nam” năm 2021, đã đào tạo được 4 khóa, mỗi khoá 15 học viên. Học viên là trưởng các bộ phận hoặc CEO công ty. Thời gian đào tạo: 2 tuần lý thuyết tại trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và 2 tuần thực hành tại hiện trường nhà máy.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Chủ nhiệm đề án, trao tặng biểu trưng cho các chuyên gia, giảng viên hỗ trợ đề án chương trình |
Các học viên được trang bị các kiến thức về hiệu quả quản lý sản xuất trong ngành dệt may, sản xuất tinh gọn; kiến thức về chuyên ngành, sự cố thường gặp và giải pháp cho ngành dệt-nhuộm-in-may, khảo sát nhận diện hiện trường và triển khai các đề tài cải tiến tại nhà máy…
Kết thúc khoá học đã có 68 học viên được công nhận hoàn thànhh, trong đó, có 8 học viên xuất sắc và 12 DN cải tiến thành công được trao chứng nhận.
Đánh giá cao về chương trình này, học viện Nghiêm Hùng Dũng – Giám đốc nhân sự và sản xuất Công ty TNHH Thể thao CP - khẳng định, khóa đào tạo giống như liều vắc xin để chữa trị và phòng bệnh cho DN trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một quyết liệt hơn cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, những kiến thức, phương pháp và kinh nghiệm từ khóa học được chia sẻ từ các giảng viên, chuyên gia có thể áp dụng thực tế ngay lập tức.
Áp dụng những kiến thức từ khoá học đã giúp cho công ty có rất nhiều sự cải tiến về nhân sự, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, số lượng nhân viên giảm được 20%, mặt bằng sản xuất được tinh gọn hơn 35% và năng suất lao động tùy phòng ban tăng dao động từ 15 thậm chí 40%. Ngoài ra, môi trường làm việc thoáng mát, vị trí trang thiết bi máy móc đựợc sắp xếp khoa học và quan trọng ý thức, trách nhiệm xây dựng và cải tiến nơi làm việc của người lao động được phát huy rất tốt.