Thứ sáu 11/04/2025 06:22

6 tháng đầu năm: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Theo các đại biểu Quốc hội, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, mặc dù thấp hơn kỳ vọng, tuy nhiên đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định...

Ngày 15/6, tiếp tục phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng cuối năm 2021.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết một số kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021.

Bên cạnh đó, thu NSNN 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các hoạt động đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPQH

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.

Dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong bối cảnh nhiều khó khăn, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng, ông Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Cụ thể như, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường....

Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đồng thời đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp có quy mô lớn rời bỏ thị trường, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng suy giảm. "Đề nghị thống kê, cập nhật số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường theo ngành, lĩnh vực bảo đảm chính xác, phản ánh đúng thực trạng hoạt động để từ đó hoạch định chính sách, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng...", ông Thanh kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Ngoài ra, tại cuộc họp, một số ý kiến cũng đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá cụ thể thêm về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cũng như các gói hỗ trợ khác, để từ đó có đánh giá thực hiện khách quan và phục vụ cho việc ban hành các chính sách khác tới đây.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, bởi nếu giải ngân được hơn 460.000 tỷ đồng sẽ thúc đẩy tốt tăng trưởng. Việc đẩy mạnh thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch từ quy hoạch quốc gia, vùng, quy hoạch sử dụng đất cần được quan tâm, đặc biệt phải đi trước một bước và cần thực hiện cho cả nhiệm kỳ.

Đề cập đến các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2021; tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm các vấn đề về lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.

Tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp đang bị phong tỏa hoạt động trở lại.

Đồng thời, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Tây Ban Nha muốn tham gia vào dự án công nghiệp, năng lượng tại Việt Nam

Bàn giao chức năng, nhiệm vụ Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương về Báo Công Thương

Thủ tướng: Khai thác hiệu quả FTA, tạo lực đẩy thương mại Việt Nam - New Zealand

Lập Ban chỉ đạo thu hồi tài sản thất thoát vụ Vạn Thịnh Phát

Tổng Bí thư: Sắp xếp đơn vị hành chính mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước

Thủ tướng gửi thư khen U17 trước trận đấu 'sống còn' với U17 UAE

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về thuế quan Hoa Kỳ: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có phát biểu quan trọng

Hội nghị Trung ương 11 cho ý kiến về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ

Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi thương mại với Tây Ban Nha

Hội nghị Trung ương 11: Bước ngoặt tinh gọn bộ máy

Thông tin mới nhất về Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với đại diện Hoa Kỳ

Thủ tướng tuyên dương lực lượng cứu hộ động đất ở Myanmar

Tây Ban Nha mong muốn hợp tác với Việt Nam về công nghiệp ô tô

Ông Ngô Văn Tuấn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quốc hội

Việt Nam ký mới hơn 60 cam kết hợp tác với nhiều đối tác

Không để giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu ‘ghìm chân’ tiến độ cao tốc

Mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Khai thác EVFTA, nâng thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha lên 8 tỷ USD

Sắp xem xét, thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính