5 nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu ngành Công Thương Quảng Nam
Tại Kế hoạch số 4691/KH-UBND về việc thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, địa phương đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng.
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Quảng Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao.
Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 28,7%; đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 15 - 16%/năm; tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) khoảng 17%/năm; đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng; phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện.
5 nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu ngành Công Thương Quảng Nam. Ảnh: V.Lộc |
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về tái cơ cấu ngành công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, trong tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, tập trung phát triển các nhóm dự án công nghiệp chủ lực; phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển công nghiệp của tỉnh; tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển công nghiệp; tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thường xuyên rà soát, cập nhật Phương án phát triển mạng lưới cấp điện cập nhật trong quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
UBND tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2030 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) tăng bình quân hằng năm khoảng 17%/năm. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại, bảo đảm hoạt động thương mại phát triển lành mạnh, văn minh và bền vững. Xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phát triển các trang thương mại điện tử của tỉnh, kết nối các sàn trong nước và quốc tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số công tác quản lý thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất.
Tập trung phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy hải sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử,..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội; thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và của tỉnh như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông - lâm thủy sản, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường…