4 dự án hóa chất khởi sắc trở lại
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đứng giữa) thăm dây chuyền sản xuất, chứng kiến những lô sản phẩm ra lò sau nỗ lực tái khởi động Nhà máy Đạm Ninh Bình vào đầu tháng 1/2018 |
Theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của cả 4 đơn vị: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng và cải tạo Nhà máy đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy DAP số 2 - Vinachem và Công ty CP DAP - Vinachem đều tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tín hiệu vui
Cụ thể, Công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình giảm lỗ 8 tỷ đồng so với quý I/2017; tổ chức chạy lại máy thành công và bám sát phương án SXKD đã báo cáo tập đoàn và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương của Chính phủ. Riêng số lỗ giảm dần, dự kiến quý I/2018, công ty lỗ khoảng 211 tỷ đồng, trong đó lỗ tháng 1 là 102 tỷ đồng (không chạy máy), lỗ tháng 2 (63 tỷ đồng), lỗ tháng 3 (46 tỷ đồng). Tuy nhiên, Đạm Ninh Bình vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nguồn vốn lưu động; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản không bán than chậm trả mà phải thanh toán ngay khi nhận hàng, dẫn đến sản xuất không ổn định gây lo ngại cho khách hàng khi ký hợp đồng mua sản phẩm.
Tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, doanh thu quý I/2018 đạt 687,34 tỷ đồng, tăng 192,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, giảm lỗ 88,75 tỷ đồng. Cụ thể, quý I/2018, công ty lỗ 86,25 tỷ đồng (theo kế hoạch lỗ 162 tỷ đồng), giảm lỗ so với quý I/2017 là 88,75 tỷ đồng. Lý do chính là công ty đã giảm tối đa định mức tiêu hao, làm giảm chi phí nguyên vật liệu 17,7 tỷ đồng.
Nhà máy Đạm Ninh Bình tập trung phát triển sản xuất ổn định |
Ông Nguyễn Phú Cường cho biết thêm, để có được con số giảm lỗ tích cực trong quý I/2018, việc tiết giảm chi phí đã được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, tổng tiết giảm chi phí SXKD quý I của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 12,18 tỷ đồng; Công ty CP DAP - Vinachem tiết giảm được 10,838 tỷ đồng… Với kết quả trên, lãnh đạo Vinachem khẳng định: Cả 4 đơn vị đều tiến hành đồng bộ hàng loạt giải pháp tiết giảm chi phí. Tập đoàn coi đây là giải pháp căn cơ để vượt qua khó khăn và kiên quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, bài bản với nỗ lực cao nhất.Công ty CP DAP số 2 - Vinachem là 1 trong 4 dự án hóa chất “bứt phá” giảm lỗ ngoạn mục: 183,0 tỷ đồng so với quý I/2017. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất DAP quý I/2018, đạt 57,187 tấn, tăng 247,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 60,903 tấn, tăng 232,4% so với cùng kỳ năm 2017. Lỗ quý I/2018 chỉ còn 71,17 tỷ đồng (con số này là 254,18 tỷ đồng trong quý I/2017).
Đồng bộ các giải pháp để tiếp tục đà tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đối với 4 dự án hóa chất, trong quý II và thời gian tới, phương án xử lý là tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo các chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Trong đó, đã đưa ra phương án xử lý riêng đối với từng dự án, DN, nhất là giải pháp liên quan tới quản trị DN để nâng cao hiệu quả SXKD.
Đoàn lãnh đạo Bộ tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất Đạm Ninh Bình |
Nhằm tiếp tục đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Phú Cường chia sẻ, nhiệm vụ còn rất nặng nề, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc. Lãnh đạo tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc đề án tái cơ cấu và chương trình hành động, giải pháp linh hoạt trong SXKD, điều tiết sản xuất, tăng cường tiêu thụ sản phẩm nội bộ. Đơn cử, Công ty CP DAP - Vinachem đang chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ, lập phương thức vừa sản xuất, vừa kết hợp bố trí thời gian sửa chữa, củng cố thiết bị, tạo hạt cho nhà máy DAP. Sau khi sửa chữa, dây chuyền sản xuất vận hành ổn định, sẵn sàng tăng tối đa công suất sau khi sản lượng tiêu thụ tăng, tiến tới cung cấp ổn định mặt hàng phân bón DAP trong dài hạn, phấn đấu năm 2018, tăng trưởng thêm 5 - 6% sản lượng.Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cũng đưa ra phương án để xử lý. Theo đó, chú trọng nâng cao hiệu quả SXKD của các nhà máy; đồng thời, làm chủ công nghệ, bảo đảm chạy đủ tải, dài ngày, tiêu hao thấp, hạn chế chi phí.
Thời gian tới, Vinachem tiếp tục cắt giảm chi phí của các DN đang thua lỗ, tiến tới tăng trưởng ổn định. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, sớm có lãi để triển khai việc thoái vốn, cổ phần hóa theo Đề án xử lý và Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020.
4 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả của Vinachem đã được triển khai đồng bộ theo đúng tiến độ của đề án xử lý, chương trình hành động của Bộ Công Thương theo Quyết định số 1468/QĐ-TTG ngày 29/9/2017. |