380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý thông qua Nghị quyết 42
Theo Chương trình làm việc Phiên họp thứ 10, sáng 14/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42. Đây là nội dung đầu tiên trong Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 05 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.
Cụ thể, về kết quả xử lý nợ xấu nội bảng: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của NHNN cùng với sự chủ động, nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu của hệ thống các TCTD đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).
Đồng thời, xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).
Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, về kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC: Lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/12/2021, VAMC đã mua được 339 khoản nợ theo giá trị thị trường đối với 193 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.723 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng; thu hồi nợ đạt 120.738 tỷ đồng (bằng 66% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021).
Bên cạnh đó, tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng; đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản bảo đảm (TSBĐ) có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD…
Đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết số 42 đối với công tác xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng nêu, trước khi có Nghị quyết số 42, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng tự trả nợ còn chưa cao. Nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thanh toán bằng TPĐB.
Khi áp dụng 2 biện pháp xử lý này, các khoản nợ xấu này vẫn phải được TCTD, VAMC theo dõi và sử dụng các biện pháp để xử lý, thu hồi triệt để. Kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ; xử lý, bán, phát mại TSBĐ; mua nợ theo giá trị thị trường… tăng cao.
Kết quả xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,93% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012-2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).
Kết quả xử lý, bán, phát mại TSBĐ để thu hồi nợ của TCTD và VAMC đạt khoảng 77.195 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý (trong khi đó, lũy kế từ năm 2012-2017, kết quả xử lý TSBĐ để thu hồi nợ chỉ đạt 19.524 tỷ đồng).
Ngoài ra, Nghị quyết số 42 đã cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoại bảng (trước đây VAMC chỉ được mua nợ xấu hạch toán nội bảng, dẫn đến hạn chế các khoản nợ xấu được mua bán theo giá thị trường) và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) sang mua theo giá trị thị trường.
Sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/12/2021: Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 đạt 100,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 26,51% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý; VAMC đã mua 339 khoản nợ theo giá trị thị trường với giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng.
“Trên cơ sở đó, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 - 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng)” - bà Nguyễn Thị Hồng thông tin.