3 trường hợp doanh nghiệp bị thu giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Khắc phục bất cập thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 42/2024/QH15) được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 29/6/2024. Luật gồm 8 chương, 75 điều có hiệu lực từ ngày 1/01/2025; trừ quy định tại các Điều 17, Điều 32 và khoản 1 Điều 49 của có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 để thống nhất thời gian hiệu lực thi hành của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt xóa nhiều đường dây mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ với quy mô lớn. Ảnh: Nguyễn Sự |
Theo Cục Hoá chất (Bộ Công Thương), việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, gồm: Vũ khí; vũ khí quân dụng; súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vật liệu nổ; vật liệu nổ quân dụng; vật liệu nổ công nghiệp; vật liệu nổ công nghiệp mới; tiền chất thuốc nổ; công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh doanh.
Cụ thể Luật Quy định, vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm: Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích; Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự thuộc danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Tiền chất thuốc nổ là hóa chất nguy hiểm, trực tiếp dùng để sản xuất thuốc nổ thuộc danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Luật số 42/QH/2015 cũng quy định về điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Ảnh: BNA |
Điều kiện, trách nhiệm người giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ
Luật số 42/QH/2015 cũng quy định về điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Theo đó, việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải theo đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.
Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường. Kho vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Luật cũng quy định việc thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong trường hợp: Thứ nhất, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ giải thể; chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; Thứ hai, tổ chức, doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo quy định của Luật này; không đáp ứng đầy đủ hoặc không thực hiện đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận; Thứ ba, doanh nghiệp không kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong thời gian 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh.
Luật số 42/2024/QH15 cũng quy định rõ về điều kiện trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp tại các Điều 32. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng; Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Điều 35. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; Điều 36. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; Điều 37. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Điều 38. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Điều 40. Dịch vụ nổ mìn; Điều 42. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 42/2024/QH15) là dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Với 459/468 Đại biểu có mặt ấn nút biểu quyết tán thành chiếm 94,44%, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào ngày 29/6/2024. |