26% kế hoạch lừa đảo công nghệ tại Việt Nam liên quan đến tài chính
Trong đó, kế hoạch lừa đảo thông qua các hệ thống thanh toán là trường hợp phổ biến nhất chiếm 11,77% tổng số lừa đảo và hơn 44% trong số các loại lừa đảo tài chính. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Kaspersky.
Sự gia tăng các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch đã tạo điều kiện cho các trang mạo danh những hệ thống thanh toánphổ biến như Visa, Mastercard, PayPal,… phát triển.
Tỷ lệ phần trăm được xác định từ dữ liệu ẩn danh dựa trên việc xác định các thành phần trong hệ thống chống lừa đảo Anti-Phishing của Kaspersky trên máy tính người dùng. Thành phần này xác định tất cả các trang web với nội dung lừa đảo mà người dùng đã cố gắng truy cập thông qua các liên kết trong email hoặc trên web, miễn là liên kết đến các trang này nằm trong cơ sở dữ liệu của Kaspersky.
Khi ngày càng có nhiều người dùng mua sắm trực tuyến, những nỗ lực lừa đảo nhắm vào các cửa hàng trực tuyến cũng ngày một tăng theo, chiếm khoảng 30% trong số những trường hợp lừa đảo tài chính. Các lừa đảo liên quan đến ngân hàng, như ví dụ bên dưới cho thấy một trang web mạo danh Vietcombank - một trong những hệ thống ngân hàng trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm 6,46% trong tổng số trường hợp lừa đảo.
Đáng chú ý, lừa đảo tài chính được ghi nhận là một hình thức lừa đảo phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tỷ lệ hơn 40% ở hầu hết các quốc gia trong khu vực này. Philippines là quốc gia có tỷ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%.
Trong khi đó, với 26,36%, Việt Nam có tỷ lệ bị tấn công tài chính thấp nhất so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của Đông Nam Á (43,06%). Tỷ lệ ấn tượng này có thể là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trong bối cảnh gia tăng của ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực.
“Cùng với sự gia tăng trong việc áp dụng các giao dịch số ở Đông Nam Á, chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng của những “siêu ứng dụng” trong khu vực. Đây là những ứng dụng di động kết hợp tất cả các chức năng tài chính phổ biến bao gồm ngân hàng điện tử, ví di động, mua sắm trực tuyến, bảo hiểm, đặt vé du lịch và thậm chí là đầu tư. Việc tập trung dữ liệu và tiền kỹ thuật số vào cùng một nơi có thể gây ra hậu quả lớn khi tác động của cuộc tấn công lừa đảo nổi lên với một tốc độ không thể lường trước được”, ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết.
Siêu ứng dụng là một phương thức giúp các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ truyền thống trở nên nổi bật hơn trong một ngành khá đông đúc. Trong khi họ cố gắng làm việc với các bên thứ ba và kết hợp các dịch vụ của mình vào trong một ứng dụng di động, phạm vi tấn công sẽ được mở rộng, đồng thời tạo nhiều cơ hội hơn cho các cuộc tấn công độc hại.
Một viễn cảnh có thể xảy ra khi một ứng dụng có tất cả các thông tin tài chính chi tiết của người dùng, một liên kết lừa đảo đơn giản yêu cầu thông tin đăng nhập của người dùng có thể xâm phạm tất cả các dữ liệu có sẵn trong ứng dụng. Điều này làm gia tăng những tác hại có thể có của mối đe doạ này.
“Mục tiêu chính của tội phạm mạng là tiền, vì vậy điều quan trọng là các ngân hàng, nhà phát triển ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ phải tích hợp an ninh mạng ngay từ khi bắt đầu phát triển ứng dụng. Chúng tôi cho rằng tin tặc sẽ nhắm vào sự phát triển của các “siêu ứng dụng” cả về cơ sở hạ tầng lẫn người dùng thông qua các cuộc tấn công phi kỹ thuật. Chúng tôi kêu gọi tất cả các công ty fintech triển khai phương pháp tiếp cận bảo mật theo thiết kế trong hệ thống của họ và liên tục cung cấp kiến thức chủ động cho người dùng trong giai đoạn này, khi các cuộc tấn công lừa đảo tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ”, ông Yeo cho biết thêm.
Trong khi hầu hết các công ty tài chính đều có hệ thống an ninh để bảo vệ khách hàng khỏi các hoạt động đáng ngờ thì sự thật là chúng ta vẫn nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, đồng thời chủ động thực hiện nhiều biện ở cả cấp độ cá nhân và ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp, phương pháp bảo vệ quan trọng nhất cần lưu ý là an ninh mạng phải là một chiến lược “sống” chứ không phải là một nền tảng tĩnh. An ninh mạng cần phải kết hợp công nghệ lẫn sự nỗ lực, đồng thời được nâng cấp, cập nhật và cải tiến liên tục.
Ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ cần phải chắc chắn rằng đội ngũ bảo mật (hoặc các chuyên gia bảo mật) có thể đảm bảo cơ sở hạ tầng phòng thủ mạng được cập nhật và có khả năng hỗ trợ trong trường hợp xảy ra tấn công mạng.