25 năm ASEM: Việt Nam - Thành viên tích cực nhất, thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác mới
Tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 (tháng 11/2016), các nhà lãnh đạo Á - Âu quyết định ngày 1/3 hàng năm là Ngày ASEM. Ngày ASEM năm nay có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của diễn đàn.
Kể từ khi chính thức thành lập ngày 1/3/1996, ASEM đã trở thành cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 53 thành viên từ hai châu lục Á - Âu. ASEM đã khẳng định vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại hai châu lục, đóng góp thiết thực định hình những xu thế lớn và cục diện thế giới trong thế kỷ 21.
Trong bài viết “Diễn đàn Hợp tác Á - Âu: Sức háp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác ngày càng gia tăng”, đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao - nhấn mạnh, việc tham gia với tư cách thành viên sáng lập ASEM năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Trong 25 năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong khởi xướng, đề xuất và thúc đẩy nhiều ý tưởng, nội dung hợp tác mới, trực tiếp triển khai và đồng bảo trợ gần 60 sáng kiến trên các lĩnh vực.
Thông qua các sáng kiến hợp tác, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM đề cao lợi ích của hòa bình, an ninh và ổn định, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy quan tâm chung. Đồng thời, thúc đẩy nhận thức chung và sự ủng hộ của các thành viên ASEM đối với nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và giải quyết tranh chấp tại khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam còn kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả của ASEM trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai…
Không những thế, Việt Nam là nước khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về Đối thoại phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là quản lý bền vững nguồn nước, hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mê Công và Đa-nuýp, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên khu vực từ năm 2011.
“Có thể nói, tham gia đóng góp thúc đẩy hợp tác ASEM không chỉ giúp nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy các lợi ích về an ninh và phát triển của đất nước”- đồng chí Bùi Thanh Sơn đánh giá.
Đối thoại cấp cao của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) về “Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19” diễn ra vào tháng 10/2020 |
Với bước chuyển tư duy đối ngoại đa phương sang “chủ động đóng góp, xây dựng và định hình”, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất giải quyết những vấn đề then chốt của ASEM như mở rộng thành viên, củng cố cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy các nhóm hợp tác chuyên ngành... Việc đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM năm 2004, chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM năm 2009, Điều phối viên nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á - Âu giai đoạn 2008 - 2012,... đã giúp chúng ta tham gia xây dựng và thúc đẩy nhiều định hướng, chiến lược quan trọng của diễn đàn.
Trên nền tảng hợp tác ASEM, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các thành viên ASEM ngày càng được đẩy mạnh và nâng tầm. Các thành viên ASEM hiện chiếm 23 trong số 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam; đóng góp khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam; là đối tác của 15 trong 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán. Hợp tác song phương giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Liên minh châu Âu, các đối tác và bạn bè truyền thống châu Âu tiếp tục phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, trên tinh thần đối tác tin cậy, hữu nghị, cùng chia sẻ tầm nhìn lâu dài, cùng đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn cho rằng, các FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực tháng 10/2016 và FTA Việt Nam - EU có hiệu lực tháng 8/2020 đã đánh dấu những mốc phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu, đồng thời là minh chứng sinh động khẳng định quyết tâm của các nước Á - Âu trong đẩy mạnh kết nối, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, với những tầm nhìn và khát vọng phát triển mới, tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu, trong đó có hợp tác ASEM, càng có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định, tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. "Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM nâng tầm hợp tác của diễn đàn, chung tay xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu ngày càng năng động, gắn kết, vì sự phát triển thịnh vượng của hai châu lục và trên thế giới" - đồng chí Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Là khuôn khổ đối tác toàn diện kết nối Á - Âu, ASEM đã phát huy vai trò không thể thiếu trong việc tăng cường gắn kết, mở rộng không gian hợp tác, phát triển và liên kết giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người dân hai châu lục. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, sự phát triển mạnh của những xu thế mới, nhất là sự bùng nổ khoa học công nghệ, với bề dày hợp tác trải qua một phần tư thế kỷ, sức hấp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác của ASEM ngày càng gia tăng. |