18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW tại Quảng Ngãi: Không thể đi một mình nếu muốn phát triển nhanh, bền vững
Sáng 27/6, tại tỉnh Quảng Ngãi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Phát triển kinh tế địa phương tích cực nhưng tính liên kết trong tổng thể vùng còn hạn chế
Thông tin tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bà Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
GRDP năm 2021 đạt 52.925 tỷ đồng, chiếm 7,79% vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (xếp thứ 5) và 21,24% vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (xếp thứ 3 sau Đà Nẵng và Quảng Nam). Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2021 là 10,92%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; thu ngân sách nhà nước tăng dần qua các thời kỳ (năm 2021 đạt 31.616 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 20,1%/năm); tỷ lệ trợ cấp cân đối từ ngân sách Trung ương cho tỉnh giảm dần qua các năm; từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh đã tự cân đối 100%. Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những khu kinh tế, khu công nghiệp thành công trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh.
Công nghiệp giữ vai trò là ngành kinh tế chính chiếm tỷ trọng 36,1% trong GRDP năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt 52.256 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn giai đoạn 2005 - 2021 đạt 16,1%/năm. Kim ngạch nhập khẩu năm năm 2021 đạt 2.656 triệu USD, tăng gấp 504 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005-2021 đạt 44%/năm; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 1.800 triệu USD, tăng gấp 64,8 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 27,8%/năm.
Đến hết năm 2021, có 7.344 doanh nghiệp đang hoạt động. Thu hút được 54 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,766 tỷ USD.
Hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa – xã hội được đầu tư đồng bộ.
Dù vậy, kinh tế Quảng Ngãi phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; tăng trưởng và thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất; nông nghiệp chưa phát triển bền vững; một số chỉ tiêu dịch vụ chưa đạt; hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạ chế; quản lý, sử dụng đất đai và khai thác khoáng sản còn nhiều thiếu sót….
Kinh tế tỉnh Quảng Ngãi qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW có nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa thể hiện được vai trò của mình trong liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung |
Tỉnh Quảng Ngãi đã có những liên kết bước đầu về thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển hạ tầng giao thông… với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tuy nhiên, theo đại diện tỉnh Quảng Ngãi, cơ chế điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn tồn tại nhiều hạn chế; chưa có tính liên kết trong các dự án mang tính liên vùng.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối và phân bổ ngân sách, quản trị không gian kinh tế và thiếu sự liên kết giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương.
Cơ chế, chính sách phát triển vùng chưa được quan tâm, chưa phát huy thế mạnh của vùng; các địa phương phát triển khá độc lập, các hoạt động vùng mang tính hình thức mà không đem lại hiệu quả thực chất tạo thành những kết quả đặc sắc riêng của vùng cả về kinh tế và văn hóa.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phát biểu tại Hội nghị |
Liên kết là một trong những động lực phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ ngành đã đưa ra nhiều đề xuất, ý kiến để Quảng Ngãi phát triển trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội đối với các huyện miền núi, chú trọng đời sống cho bà con dân tộc thiểu số; tăng cường kết nối du lịch với các tỉnh thành trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và rộng hơn là với các tỉnh thành trong cả nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh….
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Quảng Ngãi, nghiên cứu, đánh giá công tác thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 39-NQ/TW. Phân tích kỹ hơn về thực hiện kết quả từ liên kết phát triển trong thời gian qua, làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế để trên cơ sở đó mới có thể đề xuất được những chủ. Bên cạnh đó, làm rõ những thách thức, cơ hội và yêu cầu trong bối cảnh mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nguồn lực, cơ chế tài chính… để địa phương thuận lợi hơn quá trình điều hành, thực hiện; gắn với công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh. Đổi mới mô hình tăng trường và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm. Đầu tư, phát triển Khu Kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; mở rộng, đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu Công nghiệp, Đô thị.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Tỉnh Quảng Ngãi cần sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết khu vực Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên |
Đặc biệt, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Quảng Ngãi cần phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của mình trong liên kết vùng. Phải xác định liên kết là một trong những động lực để phát triển. Muốn phát triển nhanh, bền vững phải liên kết vùng. Quảng Ngãi phải phát huy là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên. Tiếp tục huy động nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển, hạ tầng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng.
Để tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung phát triển, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |