Kết quả khá toàn diện
Báo cáo sơ bộ về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 32- CT/TW của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương, ông Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đánh giá, thể chế, chính sách của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật PBGDPL năm 2012 và 01 Nghị quyết, 02 nghị định; 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 02 thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Tư pháp, 04 thông tư của Bộ Tư pháp.
Qua việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW đã góp phần tạo nên sự chuyển biến trong ý thức của cán bộ, nhân dân về sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật |
“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị quan tâm, tổ chức thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW và đầu tư nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL” – ông Nguyên nhấn mạnh.
Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 32-CT/TW và Luật PBGDPL đến nay, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các đối tượng đặc thù của công trong PBGDPL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định với 34 Đề án trong nhiều giai đoạn khác nhau. Việc thực hiện các chương trình, đề án theo từng giai đoạn này đã tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, cơ sở pháp lý và nguồn lực cho các bộ, ngành, địa phương triển khải công tác PBGDPL theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cũng là giải pháp để cụ thể hoá các quy định, trách nhiệm của các cấp, ngành được quy định tại Chỉ thị 32-CT/TW.
Việc thành lập và liên tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Trong những năm qua, nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL…
Về công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, qua theo dõi, số lượng báo cáo viên Trung ương trong thời gian 15 năm đã tăng 8,3 lần (từ 232 người năm 2003 lên 1.947 người năm 2019) và tuyên truyền viên cấp xã tăng 1,65 lần. Hầu hết báo cáo viên pháp luật trung ương và cấp tỉnh có trình độ cử nhân trở lên, nhiều đồng chí có trình độ sau đại học.
Cùng đó, các điều kiện bảo đảm triển khai công tác PBGDPL và công tác xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã được quan tâm, góp phần gia tăng hiệu quả của công tác PBGDPL. Tổng hợp sơ bộ số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong 15 năm qua cho thấy, tổng kinh phí dành cho công tác PBGDPL trong cả nước là hơn 3.372 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2003-2009 là hơn 658 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2019 là hơn 2.713 tỷ đồng (tăng gấp 4,2 lần).
Qua việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW đã góp phần tạo nên sự chuyển biến trong ý thức của cán bộ, nhân dân về sống và làm việc theo Hiển pháp và pháp luật. Cán bộ, công chức và nhân dân đã chủ động hơn trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần tích cực vào việc phát triền kinh tể - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019
Cùng với công tác chuẩn bị hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW còn có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 2019.
Ông Phan Hồng Nguyên cho biết, 2019 là năm thứ 6 Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được triển khai phát động trên toàn quốc. Thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định cùa Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 17/6/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2213/BTP-PBGDPL hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ban hành Quyết định số 1373/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2019 của Bộ Tư pháp.
Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung vào các nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2019; tập trung phổ biến, tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; lao động, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tội phạm, các tệ nạn xã hội và cháy nổ; bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và các vấn đề khác của xã hội được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội…
Ngoài ra còn có các nội dung liên quan đến việc cải cách chính sách pháp luật về đất đai, bảo hiểm xã hội... đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.
Cùng với việc phát động tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, năm 2019, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn giáo dục Egroup phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” dành cho học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.