Xóa độc quyền sẽ thu hẹp chênh lệch giá vàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong tháng 1/2024 sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. VGTA kỳ vọng gì trước thông tin này, thưa ông?
VGTA mong NHNN sớm tăng nguồn cung vàng miếng bằng cách cho phép một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng được nhập một lượng nhất định vàng nguyên liệu để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) |
Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn có hạn ngạch cho các doanh nghiệp (chỉ 3 doanh nghiệp lớn là SJC, PNJ, DOJI và mỗi đơn vị được nhập khoảng 500 kg vàng nguyên liệu trong 3 - 6 tháng, song vẫn chưa được phép) sản xuất, kinh doanh nữ trang nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang vàng cho thị trường nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được nhập, nên vàng quốc tế tăng kéo theo giá vàng trong nước có thời điểm lên đến mức 80 triệu đồng/lượng.
Đồng thời, chúng tôi cũng kỳ vọng sớm sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới.
Mới đây, NHNN ban hành Quyết định số 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Theo ông, quy định mới có tác động đến thị trường vàng cũng như cung vàng miếng nhãn hiệu SJC?
Đây cũng là bước chuẩn bị để NHNN nhập nguyên liệu về gia công vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thị trường. Theo tôi, việc ban hành Quyết định số 02 chỉ là một bước nhỏ về mặt thủ tục để có thể can thiệp thị trường nhằm giảm chênh lệch giá. Việc sửa đổi Nghị định số 24 mới quan trọng đối với thị trường vàng, vì sau hơn 10 năm được ban hành, thị trường đã có rất nhiều thay đổi, nên nghị định này cần sớm được sửa đổi.
Hướng sửa đổi là không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Vì chính việc độc quyền đã đẩy vàng thương hiệu SJC trong nước luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, muốn sửa đổi Nghị định số 24, phải có sự cho phép từ Chính phủ và NHNN, phải lấy ý kiến rộng rãi, sau đó trình các cấp có thẩm quyền, nên cần có thời gian.
Ông nhận định thế nào về triển vọng giá vàng năm nay?
Mặt hàng kim quý vàng vẫn có triển vọng tăng giá trong năm 2024, do tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp và dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có khoảng 2 - 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo quy luật thị trường, vàng thường lên ngôi trong môi trường lãi suất thực thấp hoặc âm và kim loại quý này sẽ mất đi sức hấp dẫn trong thời kỳ lãi suất tăng. Cho dù hiện nay, mối tương quan giữa giá vàng và lãi suất thực không còn rõ ràng như trước, nhưng với các yếu tố trên, có khả năng, vàng sẽ còn tăng giá trong thời gian tới đây. Giá vàng đang dần tiến tới mốc 2.100 USD/ounce và nếu vượt qua mốc này, thì sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới và dĩ nhiên, trong giai đoạn tăng, sẽ có những lúc điều chỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế khó khăn, quỹ đạo của vàng dường như không còn dễ đoán như trước.
Ngoài việc Fed hạ lãi suất USD, thì các yếu khác hỗ trợ giá vàng năm nay là gì, thưa ông?
Ngoài chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed năm nay kéo giá trị đồng USD đi xuống..., thì diễn biến tình hình địa chính trị khu vực Trung Đông phức tạp và cuộc xung đột Nga - Ukairane chưa có dấu hiệu dừng, ảnh hưởng tới giá dầu, kéo theo lạm phát, tác động lên kinh tế toàn cầu sẽ tác động tích cực lên giá vàng. Một khi địa chính trị bất ổn kéo theo kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát tăng, thì vàng được xem là “hầm trú ẩn” an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Thêm vào đó, dịp cuối và đầu năm, nhu cầu vàng vật chất của các nước cũng gia tăng vì nhu cầu của người dân ở dịp lễ, tết tăng mạnh. Đồng thời, việc tăng mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm 2024 cũng được dự báo tương đương năm 2023 (khoảng 1.100 tấn). Vì thế, giá vàng được dự báo tiếp đà đi lên trong quý I/2024 và còn triển vọng tăng trong giai đoạn tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!